Ngắm nét hoang sơ, hùng vĩ của thác Đray Nur

09:38, 03/08/2018

Là sự kết hợp giữa hai dòng sông, sông Krông Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực), hai dòng sông hoà trộn quấn quýt bên nhau tạo thành dòng sông Sêrêpốk huyền thoại ở Tây Nguyên, thác Đray Nur có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m nối liền đôi bờ hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông.

Đến với Đray Nur, cảm giác đầu tiên đến với bạn là một ngọn thác hùng vĩ, tới đây, bạn sẽ bị ấn tượng bởi bọt nước tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến quang cảnh xung quanh thác nên thơ. Nhưng hấp dẫn nhất không phải là việc chiêm ngưỡng thác mà là khám phá, tìm kiếm cảm giác mạnh trong hang động gần 3.000m2 phía sau thác.

Khác với những ngọn thác khác ở cao nguyên này, thác Đray Nur gắn với hai truyền thuyết khác nhau, với hai cách giải thích tên khác nhau. Với giải thích Đray Nur - nghĩa là thác cái, thác vợ - thác gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của hai dòng tộc.

Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của vua thủy tề. Ngày xưa vua Thủy Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp 2 nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn. Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để thạp gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng.

Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng công chúa, vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng.

Chỉ mới nghe huyền thoại của dòng thác, mà ai cũng đã muốn đặt chân đến đó ngay. Trong cuộc sống của người dân địa phương, Thác Dray Nur là biểu tượng thiêng liêng của núi rừng Tây Nguyên, thác thường được miêu tả với những từ như hùng vĩ, thơ mộng, hay cõi bồng lai. Thực vậy, đứng trước thác Dray Nur du khách có cảm giác mình đang lạc lối vào cõi tiên. Bởi tại đây, thác quanh năm chảy mạnh, khỏe khoắn như một lực điền, làm cho bụi nước tung trắng xóa, phủ mờ khắp không gian.

Nếu thác Dray Nur là nhân vật chính trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ này, thì những nhân vật phụ cũng hết sức xinh đẹp, hết sức quan trọng trong bức tranh tổng thể, đó chính là những mỏm đá cứng cáp, nhô lên lõm xuống rất điệu nghệ và còn là những cây cối um tùm, xanh tốt quanh năm, điểm tô thêm sự hoang dã cho Dray Nur. Chính nhờ vẻ đẹp khó tin ấy, Thác Dray Nur được công nhận là một trong 13 thác nước đẹp nhất Việt Nam.

Ngày nay, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến Tây Nguyên để chiêm ngưỡng vẻ kỳ vĩ của dòng Đray Nur. Thác Đray nur là một địa điểm lý tưởng cho những ai muốn khám phá thiên nhiên hoang sơ và bí ẩn của vùng đất Cao nguyên đầy nắng và gió.