Thăm lăng Mạc Cửu

23:08, 30/01/2019

Núi Bình San là một trong “thập vịnh Hà Tiên” (10 cảnh đẹp của T.X Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), một danh thắng du khách không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất này. Điểm nhấn tạo nên danh tiếng của núi Bình San chính là lăng Mạc Cửu – một “khai trấn quốc công” mảnh đất phía Nam của Tổ quốc thời nhà Nguyễn. Trong hành trình về miền Tây vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến thăm Lăng và được nghe những câu chuyện về dòng họ Mạc, một dòng họ có nhiều công lao trong việc khai phá và trấn giữ đất Hà Tiên cách đây hơn 300 năm.

Trước khi lên tới lăng mộ Mạc Cửu là đền thờ họ Mạc. Ngay cổng đền thờ, có đề tên Mạc Công miếu, hai bên có cặp liễn đối bằng chữ Hán ca ngợi dòng họ. Anh Nguyễn Nhật Lam, hướng dẫn viên du lịch tuy không phải là người bản xứ nhưng hiểu rất rõ vùng đất cũng như danh thắng này chỉ vào câu đối rồi đọc và dịch lại cho đoàn: “Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (nghĩa là: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ/Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu). Từ đây càng thêm khơi gợi thêm sự tò mò, háo hức tìm hiểu sâu hơn về con người Mạc Cửu và dòng họ Mạc trong lòng du khách. Lăng Mạc Cửu và đền thờ họ Mạc do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Ngôi đền, ngoài giá trị lịch sử, nó còn là một công trình có giá trị nghệ thuật cao, bởi cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh xảo.

Trước đền thờ là 2 ao lớn nở đầy hoa sen mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn. Bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây xanh tạo cho không gian đền thờ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông. Bên trong chính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của ông Mạc Cửu và các hậu duệ của ông do những người dòng họ Mạc được coi như những tiểu vương tại Hà Tiên. Bên phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ...

Từ đền thờ, lần theo các lối mòn và những bậc đá rêu phong là mộ phần của gia đình và tướng lĩnh dòng họ Mạc. Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc đều xây bằng những cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, hình bán nguyệt khoét sâu vào triền núi, chỗ chôn hài cốt đúc vôi và nước “ô dước” ra dáng con trâu nằm. Trước mộ có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Hai bên tả hữu là hai vị tướng cầm kiếm đừng hầu, quanh mộ xây hai con rồng quấn vào nhau. Phần mộ Mạc Cửu gần như ngày nào cũng có du khách hoặc người dân địa phương đến thắp hương khấn bái, bày tỏ lòng biết ơn.

Anh Lam kể như nhà nghiên cứu lịch sử: Mạc Cửu là người Quảng Đông (Trung Quốc), vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán ở một số nước Đông Nam Á. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến tháng 8-1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng Chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.

Từ mộ Mạc Cửu trông ra, phía trước có núi Tô Châu và vũng Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác, bên phải là núi Kim Dự. Quang cảnh biển, trời, mây, nước tạo thành một bức tranh phong thuỷ rất đẹp mắt. Núi Bình San đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia vào năm 1989. Để ghi nhận công lao của ông Mạc Cửu trong việc khai phá Hà Tiên cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã cho xây dựng tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10m tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu – T.X Hà Tiên.