Du lịch xanh: Xu hướng cấp thiết toàn cầu

14:36, 28/03/2019

Chiều 27-3, Diễn đàn Du lịch xanh 2019 được tổ chức tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các khu du lịch sinh thái. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2019.  

 
Diễn đàn Du lịch xanh trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VIMT - Hà Nội 2019 diễn ra chiều 27-3.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Quang Tùng cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, năm 2030 sẽ có 1,8 tỷ khách đi du lịch trên toàn cầu. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Quang Tùng nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Năm 2017, Việt Nam được UNWTO xếp hạng 6 trong 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, được WTA bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Việt Nam đang chứng kiến nhiều bài học, kinh nghiệm cả trong môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch. Phát triển du lịch xanh đã trở thành một xu hướng chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Các sản phẩm du lịch xanh cũng được du khách quan tâm, đón nhận hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, hiện nay tại Việt Nam, các chính sách chiến lược, quy hoạch định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
 
Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển du lịch trên toàn thế giới (ảnh minh họa).

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch xanh, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ông Vũ Thế Bình hy vọng, trước vấn đề “nóng” này, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp du lịch sẽ góp thêm nhiều sáng kiến về phát triển du lịch xanh tại Việt Nam.

Diễn đàn Du lịch xanh có 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất có 4 chủ đề: Du lịch xanh - Xu hướng thế giới và tiềm năng phát triển ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra; Quan điểm của Tây Ban Nha về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, gắn với du lịch xanh; Thực trạng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh ở Việt Nam; Quan điểm của ADB đối với phát triển du lịch xanh ở Việt Nam.

Trong phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu thảo luận dựa trên một số kinh nghiệm điển hình trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, như: Xây dựng sản phẩm lưu trú xanh của tập đoàn Flamingo; chia sẻ điển hình tốt của Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC; kinh nghiệm điều hành homestay của người dân tộc thiểu số…