"Thắp lửa" lưng trời...

10:55, 14/03/2019

Cứ mỗi độ tháng ba, hoa gạo lại bừng nở, “thắp lửa” cho những ngôi làng ven đô Hà Nội làm đắm say lòng người. 

Mùa hoa tháng Ba đang mang lại cho Hà Nội vẻ đẹp rực rỡ với hoa sưa trắng tinh, hoa ban tím hồng và những bông gạo đỏ ối như những đốm lửa thắp lên giữa trời.
 
Sắc đỏ hoa gạo hòa cùng màu xanh non trong tiết trời se lạnh tháng ba. Ảnh PHẠM HẢI

Hoa gạo, còn gọi là mộc miên, là loài hoa gắn bó với người dân làng quê Bắc Bộ hết sức thân thương đến độ đã trở thành hồn cốt của làng. Trong kí ức của nhiều người Việt, con đường mỗi làng quê Việt Nam đều có hình ảnh cây hoa gạo hiên ngang giữa đất trời.
 
Hoa gạo đẹp giản dị, mộc mạc giữa khung cảnh làng quê. Ảnh PHẠM HẢI

Hình như cả quãng thời gian khắc nghiệt mùa đông, gạo âm thầm vươn rễ, chắt chiu dòng nhựa sống để đến mùa xuân dành trọn cho hoa và lộc biếc. Cuối xuân, khi nắng chớm hanh hao xen lẫn tiết trời se lạnh, trên những cành cây gầy guộc khẳng khiu ấy, những bông gạo từ từ “thức giấc”, chói lòa như lửa, lộng lẫy, rực rỡ, hân hoan khiến khung cảnh làng quê Bắc Bộ trở nên thơ mộng.
 
Hoa như đang thắp lửa, đỏ rực một vùng trời. Ảnh PHẠM HẢI

Năm nay nắng ấm nên hoa gạo nở sớm. Hoa gạo nở cho người đi trẩy hội mùa xuân thêm vui. 
 
Cây gạo "ném" lên trời những chùm hoa đỏ.

Trên con đường vào động Hương Tích, những cây gạo thân xù xì với những chùm hoa đỏ rực nghiêng mình soi bóng dưới dòng nước trong xanh. Cây gạo ở đây mọc tự nhiên, cây thì ở chân núi, cây lại trên lưng chừng núi tạo thành những vầng hoa lửa tuyệt đẹp giữa màu xanh lam của núi nhấp nhô, của cây xanh trải dài hai bên dòng suối Yến. Trong ngân nga tiếng chuông chùa, ngồi trên thuyền xuôi dòng suối Yến, thưởng ngoạn vẻ đẹp nguyên sơ của hoa gạo ở giữa núi non, trời đất hữu tình… thật thanh thản cõi lòng.
 
Nổi bật dưới chân núi Thầy, trong màu xanh cây cối, màu hoa đỏ rực như những chiếc  hoa đăng tô thắm cảnh chùa. Ảnh PHẠM HẢI

Hình ảnh Chùa Thầy (Quốc Oai - Hà Nội) cũng luôn gắn liền với cây hoa gạo đỏ ối bên hồ Thủy Đình.
 
Ảnh QUỐC LỘC

Từ lâu, chùa đã nổi tiếng không chỉ ở truyền thuyết kỳ ảo, linh thiêng xung quanh cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh, mà còn bởi vẻ đẹp của kiến trúc, cảnh sắc hữu tình với núi non, sông nước làm mê đắm lòng người... Hàng năm, mỗi mùa hoa gạo nở cũng là thời điểm diễn ra lễ hội Chùa Thầy. Những bông gạo rụng xuống như trải thảm đỏ dưới mặt đất càng làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghiêm, trầm mặc của ngôi chùa giữa đất trời sông nước lồng lộng nắng gió.

Mùa hoa gạo dường như là mùa thức dậy nhiều nhất trong ta nỗi nhớ về làng, về những kỷ niệm tuổi thơ…
 
Hoa gạo là loại hoa cánh đơn, dày và đỏ thắm, khi nở xòe to ra hơn cả một bàn tay, dù đã rụng xuống màu hoa vẫn thắm  đỏ, diễm kiều, tươi dòn. 

Ngày ấy, tôi vẫn thường nghe mẹ dặn “cây gạo có ma, cây đa có thần” nhưng rồi tuổi thơ hồn nhiên đám trẻ con vẫn tụ nhau dưới gốc cây gạo già, chạy quanh nhặt hoa xâu thành vòng đeo cổ. Bọn lớn hơn thì chơi nhảy dây, trốn tìm, đánh trận giả… Rồi trong sắc đỏ của hoa lại chợt nhận ra một mùa thi nữa đã sắp cận kề. 
 
Hoa gạo đang nở rộ trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh HOÀNG CHÍ QUANG

Mùa hoa gạo nữa lại về khiến ta thêm yêu hơn nữa thành phố mà mình đang sống. Nơi đây, giữa nhộn nhịp phố phường vẫn thắm nguyên sắc đỏ thuở nào. Nhìn cây gạo cổ thụ lặng lẽ "cháy" bên hồ Gươm, hay cây gạo trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hoa đang nở rộ, thầm cảm ơn niềm hạnh phúc bình dị mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta mà nhiều khi trên đường đời tấp nập chúng ta đã vô tình quên lãng.