Lễ Tơ Mon là một tập tục đẹp của người Ba Na ở làng Klot, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) nhằm giúp cộng đồng gắn kết hơn, cùng chia sẻ với nhau những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.
Vào ngày lành tháng tốt, gia đình tới làm lễ tại cây nêu trước nhà Rông, mời tổ tiên chứng giám việc nhận con nuôi và kết nghĩa với buôn làng bạn. Sau đó, gia đình cha (mẹ) nuôi đón gia đình nhà con nuôi từ ngoài cổng làng, khi đó trống chiêng tấu lên những làn điệu truyền thống mừng người con nuôi và gia đình đến với buôn làng. Cha mẹ nhận con nuôi mang bầu nước đến chào đón và cùng nhau di chuyển về không gian nhà Rông để làm lễ và thực hiện các nghi thức truyền thống đến khi hoàn tất các thủ tục nhận con nuôi.
Sau khi làm xong lễ Tơ Mon, về phía người mẹ sau một thời gian nếu thấy người con nuôi không quan tâm chăm sóc, hiếu thảo hoặc không có trách nhiệm với mình và họ hàng thì sẽ từ bỏ người con nuôi bằng cách trả lại lễ vật như người con nuôi đã mang đến khi làm lễ nhận mẹ nuôi. Trong trường hợp đó, người con ấy sẽ phải sống trong sự coi thường của dân làng và gia đình, bị cô lập trước cộng đồng. Trong cuộc sống sau này đối với người con nuôi, mẹ, cha nuôi phải có trách nhiệm thương yêu bảo bọc người con nuôi như con đẻ của mình.
Nếu người con nuôi thực hiện mọi nghĩa vụ tốt và yêu quý cha, mẹ nuôi mình thì khi cha hoặc mẹ nuôi mất đi, người con nuôi này được hưởng đầy đủ các quyền và thực hiện nghĩa vụ theo luật làng như người con ruột, ví dụ như chia đất, nhà và của quý trong nhà như cồng chiêng, ché... tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Sau các nghi thức trong Lễ, nếu không có ý kiến phản đối, người con nuôi đã chính thức được cộng đồng và gia đình thừa nhận là thành viên mới của bản làng, gia tộc. Lễ Tơ Mon là hoạt động văn hóa truyền thống giúp cộng đồng gắn kết hơn, cùng chia sẻ với nhau những niềm vui cũng như khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.