Đến với quận Đồ Sơn (Hải Phòng) chúng tôi được nghe nhắc nhiều đến Di tích Lịch sử Bến tàu không số K15 với những câu chuyện về sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu bất khuất của những chiến sĩ làm nhiệm vụ bí mật trên những con tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bến tàu ấy cũng chính là nơi khởi nguồn của một con đường huyền thoại mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và trở thành một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, tìm hiểu.
Bến tàu không số K15 nằm dưới chân núi Vạn Hoa, phường Vạn Hương. Cảnh quan của Di tích đã được đầu tư, xây dựng khang trang. Ngay lối vào Di tích là đền thờ Nam Hải - nơi thờ Đô đốc Đại vương (vị thần bảo vệ, che chở cho ngư dân trên biển) và các Anh hùng liệt sĩ của đoàn tàu không số. Đi tiếp vào bên trong là Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển với biểu tượng cánh buồm màu trắng sừng sững vươn cao hướng ra khơi xa để tưởng nhớ sự hy sinh và chiến công của những người lính Hải quân năm xưa. Đứng từ Tượng đài này, dõi mắt nhìn ra biển, chúng tôi được chiêm ngưỡng trọn vẹn dấu tích của những chiếc cầu tàu năm xưa với hàng cột bê tông như mọc lên từ lòng biển. Đó cũng được coi là những dấu tích còn lại duy nhất minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
Tìm hiểu về Di tích Lịch sử Bến tàu không số K15 chúng tôi được biết: Năm 1959, Bộ Chính trị chỉ đạo thành lập 2 con đường vận chuyển chiến lược nhằm chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đó là con đường vận tải xuyên Trường Sơn và con đường vận tải xuyên biển Đông. Đến tháng 10-1961, Bộ Quốc phòng ra nghị quyết thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với nhiệm vụ ban đầu được giao là mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển tiếp tế các loại hàng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Xưởng đóng tàu Hải Phòng 1 khi đó cũng được giao nhiệm vụ đóng loại tàu vỏ gỗ gắn máy để phục vụ cho công tác vận tải.
Nhằm giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác vận chuyển, việc chọn địa điểm trú đậu, nhận hàng và xuất phát của các con tàu không số được đặc biệt chú trọng. Khi đó, khu vực Nam bán đảo Đồ Sơn, dưới chân núi Vạn Hoa với tên gọi “Thung lũng xanh” có vị trí đảm bảo theo đúng yêu cầu đã được chọn. Tháng 10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông 1” rời bến K15 lên đường vào Nam Bộ. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, phải chịu sóng to gió lớn, tàu Phương Đông 1 đã khôn khéo lách qua hệ thống hàng rào phong tỏa gắt gao của địch, vào cửa Bồ Đề (Cà Mau) và cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam thành công đã khai thông con đường vận tải chiến lược trên Biển Đông.
Tháng 4 - 1963, lực lượng công binh đã xây dựng cầu tàu K15- cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ bến K15 đã có 168 lượt tàu không số xuất phát, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến tàu “đặc biệt” ấy, tất cả những ai đặt chân lên con tàu không số đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp, hình thức “kỷ luật sắt”. Để đảm bảo tuyệt mật, các chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ chỉ được biết là cử đi tham gia công tác đột xuất và phải thực hiện lệnh “cấm trại” đặc biệt của chỉ huy tại các tàu, các bến cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Với họ, mỗi lần nhận nhiệm vụ chở hàng thực sự là một lần “vào sinh ra tử”. Các tàu không số phải luồn lách, ngụy trang để đi qua nhiều vùng kiểm soát của địch, luôn phải đặt trong nguy cơ bị phát hiện, phải chiến đấu, hy sinh. Trên mỗi con tàu luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ, nếu bị phát hiện và không thể chạy thoát, chỉ huy tàu nhất quyết phải đánh thuốc nổ để phá tàu nhằm không để vũ khí rơi vào tay kẻ địch đồng thời phá hết dấu vết, không để lộ bí mật. Trong các trận chiến ấy, không ít chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu. Đoàn tàu không số đã 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ngày 18-8-2008, Bến K15 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia và đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta.