Về miền sông nước An Bình

09:46, 25/11/2019

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phù sa bồi đắp đã mang đến cho cù lao An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) khí hậu xanh mát cùng những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm. Tận dụng lợi thế tự nhiên, từ nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư, xây dựng, đưa cù lao An Bình trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về một vùng sông nước đậm chất Tây Nam Bộ.

Có hai cách để đến cù lao An Bình, một là đi xe máy rồi theo phà qua sông Cổ Chiên, hai là đi thuyền du lịch trên hệ thống sông ngòi chằng chịt, len lỏi vào trong những vườn cây trái trĩu quả. Chúng tôi chọn cách đi xe máy, qua phà, bởi theo nhiều khách du lịch cho biết, có đi xe máy, lướt trên những con đường nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng trên cù lao mới cảm nhận được hết vẻ đẹp ở nơi đây. Phà từ từ cập bến, trước mắt chúng tôi là những con đường rải nhựa sạch sẽ. Càng đi vào sâu bên trong, không gian sông nước miền tây dần hiện ra một cách đậm nét. Dù những ngôi nhà bê-tông mọc lên ngày một nhiều, nhưng không khuất lấp được nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Hai bên đường, những vườn cây xanh mát, trĩu quả, những dòng kênh dập dềnh con nước. Thi thoảng, là bóng dáng của những chiếc cầu khỉ vắt vẻo. Vào nơi đây mới thấy hết sự bình yên, an yên đúng như tên gọi An Bình của cù lao.

Cù lao An Bình bao gồm bốn xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, với diện tích hơn 60 km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Tiền. Từ bao đời nay, nhờ phù sa những dòng sông bao bọc, bồi đắp, nơi đây đã xuất hiện những miệt vườn cây trái xanh tốt. Người dân địa phương thường tự hào bởi trái cây ở cù lao An Bình có quanh năm, mùa nào thức nấy, mỗi loại mang một hương vị đặc trưng riêng. Nhờ vào địa thế sông nước, miệt vườn, nhiều nhà vườn đã hình thành và được chọn làm nơi khai thác du lịch. Những người dân quanh năm chỉ quen với miệt vườn, cây trái, bỗng nhiên biết đến cụm từ mà trước đến giờ, với họ rất xa lạ: “làm du lịch”. Thế rồi, thay vì chủ yếu bán trái cây cho thương lái, những mảnh vườn được cải tạo để thành điểm đến cho du khách. Cù lao An Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Những ngày đầu, đây vốn chỉ là điểm đến tham quan vườn trái cây, ngắm cảnh sông nước. Dần dần, du lịch xứ cù lao An Bình phát triển với nhiều loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng. Những chiếc thuyền lớn nhỏ cũng dần xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, ăn uống và nghỉ dưỡng của du khách. Ngoài tham quan vườn cây ăn trái, du khách còn có thể ghé thăm những làng nghề đậm chất văn hóa sông nước; được trải nghiệm tát mương bắt cá, làm vườn, câu cá, chế biến món ăn, làm bánh dân gian, nghe hát bội…

Du lịch đã tạo cho nơi đây sự thay đổi cả về kinh tế lẫn diện mạo. Những hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn tược để thu hút khách tham quan. Vào vườn cây Út Hiền, cũng là lúc bà chủ Trần Mai Trang vừa hái từ trên cây xuống những trái sầu riêng thơm nức. Bà Trang bảo, vườn cây của gia đình đã được tận dụng để làm du lịch khoảng 20 năm nay. Trước đây, vườn chủ yếu là để bán trái quả cho thương lái, thu nhập không cao. Từ khi đầu tư cải tạo để đón khách, gần như ngày nào vườn cây Út Hiền cũng đón nhiều đoàn khách. Mỗi khách chỉ cần đóng phí 50 nghìn đồng là được thoải mái thưởng thức mọi loại trái cây trong vườn. Tính ra, trừ hết các chi phí, gia đình bà Trang lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của du khách, từ năm 2000 đến nay, nhiều khu du lịch sinh thái, homestay đã mọc lên trên cù lao An Bình. Trong đó, nổi bật nhất là Khu du lịch trang trại Vinh Sang với các trò chơi mang lại cảm giác thú vị như tập đi cầu khỉ, trượt cỏ, cưỡi đà điểu. Đáng chú ý là trò chơi nhử mồi cá sấu giúp người chơi hình dung ra cả một hành trình khai phá thiên nhiên của người dân Nam Bộ cách đây mấy trăm năm. Một trong những homestay nổi bật ở An Bình là homestay Út Thủy với kiến trúc đặc trưng ba gian, hai chái, có các họa tiết trang trí đẹp mắt cùng cảnh quan đậm chất văn hóa vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long với liếp rau, ao cá, con sông, chiếc xuồng… Người quản lý homestay Út Thủy cho biết, phần lớn du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến đây thường chọn nghỉ lại qua đêm để được chứng kiến cuộc sống của người dân bản địa.