Vốn là trung tâm hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh An Giang, với năm khu di tích văn hóa, lịch sử; 14 khu di tích tín ngưỡng truyền thống và 44 cơ sở tôn giáo; nơi đây còn lưu giữ Bia đá “Thoại Sơn” - một báu vật vô giá của quốc gia, đã được UNESCO bình chọn “top 100” điểm đến ấn tượng của Việt Nam; sở hữu một di chỉ, di tích văn hóa Óc Eo rực rỡ với nhiều hiện vật quý báu thuộc vương quốc Phù Nam cổ kính, cùng những câu truyện dân gian huyền bí về cụm núi Ba Thê, về danh thần nhà Nguyễn - Thoại Ngọc Hầu, người đã khai kênh, mở làng cho vùng đất phương Nam này,…
Từ những tiềm năng và thế mạnh hiện có, hiện nay, huyện Thoại Sơn (An Giang) đang tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp, cụ thể đã quy hoạch thành ba không gian du lịch, gồm: “Óc Eo huyền bí”, “Thị trấn bên hồ” và “Thư giãn cuối tuần”, tất cả với mong muốn khai thác, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm với mục tiêu đón 750.000 lượt khách, ước đạt 4,3 tỷ đồng vào năm 2020, và ước đạt 1,5 triệu lượt khách vào năm 2025.
Trong không gian phát triển du lịch tổng thể của huyện, không thể không nhắc đến tầm quan trọng, cũng như tiềm năng phát triển du lịch của hồ Ông Thoại. Bởi, ngoài là vị trí trung tâm thị tứ đắc địa, với khu vui chơi giải trí, mua sắm, là đầu mối liên kết các tour tuyến, các khu du lịch khác trong toàn huyện, nơi đây còn là điểm đến thật hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tìm về. Tuy là công trình nhân tạo, tức chỉ tận dụng những vách núi, hố sâu sau khi khai thác đá để dẫn nước làm hồ, thế nhưng vô tình tạo thành một “bức tranh thủy mặc” non nước hữu tình, vừa nên thơ vừa huyền diệu, nhưng cũng chân thật từng màu sắc do vẻ xanh trong của mặt hồ. Nói đến hồ Ông Thoại, nhiều du khách còn ngỡ ngàng cho rằng, đây không chỉ là đặc trưng riêng biệt của vùng đất đồng bằng ôm núi này, mà nó còn là một tuyệt tác, được kết tạo từ sự khéo léo, hài hòa giữa đất, núi và chính con người của vùng đất Thoại Sơn này.
Cổng vào lòng hồ Ông Thoại.
Hồ Ông Thoại còn có tên khác là hồ Thoại Sơn, hồ nằm trong quần thể của Khu lòng hồ Núi Sập rộng khoảng chín ha, chia thành ba hồ, trong đó, hồ Ông Thoại là hồ lớn nhất với diện tích 120.000 m2. Với thiết kế vòng nguyệt, quanh hồ là lối đi mòn, được ôm ấp dưới những tán cây xanh mát rượi; trong lòng hồ có vài ốc đảo đá, được kết nối bởi những chiếc cầu mang nhiều ý nghĩa như: cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt; và ở một góc nhỏ, thuộc phía nam lòng hồ, có xây dựng mô hình chùa Một Cột với lối kiến trúc cổ kính, theo đó đã tô điểm thêm nét trầm mặc, thơ mộng và bình yên cho không gian du lịch “Thị trấn bên hồ”.
Chúng ta lại càng ấn tượng hơn với điểm nhấn của lòng hồ, đó là việc xây dựng bức tường của danh tướng nhà Nguyễn - Thoại Ngọc Hầu, cao hơn 10 m, được đặt ở giữa hồ. Với thế đứng trang trọng, hiên ngang, lưng tựa núi, tay chỉ về phía kênh Thoại Hà, cùng một bản dịch Bia Thoại Sơn - vốn được xem là áng văn chương sắc sảo, có giá trị muôn đời,… Qua đây, giúp chúng ta cảm nhận rằng, tất cả quang cảnh nơi này không chỉ dừng lại ở không gian văn hóa cảnh vật, mà còn là một công trình đầy ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, nhằm nhắc nhớ chúng ta ghi lòng tạc dạ đối với công lao, cùng những hy sinh, mất mát của các bậc tiền nhân trong quá trình khai hoang mở đất.
Chưa dừng lại ở đó, khi đến đây, du khách có thể hòa mình cùng không gian sông nước, có thể đạp vịt, hay bơi xuồng để cùng hít thở không khí thiên nhiên trong lành, cũng như ngắm khung cảnh thanh bình, mộng mơ của lòng hồ. Hoặc du khách có thể len lỏi vào các ngóc ngách của hang động, xuyên qua những hang đá, đường hầm để trải nghiệm nét huyền bí, hoang sơ, cũng như được lắng nghe hơi thở của mẹ thiên nhiên vang lên từ lòng núi. Và tại đây, du khách còn có thể tham quan, chụp ảnh cùng những bức tượng độc đáo của nền văn hóa Óc Eo cổ xưa, vốn từng tồn tại cách đây hàng nghìn năm trên lãnh thổ Việt Nam như: tượng thần Siva, tháp Ponagar, biểu trưng của linga và yoni,… Ngoài ra, tiến về phía nhà lục giác, chúng ta còn được thưởng lãm bức thư pháp độc đáo với 108 chữ “tâm” đạt kỷ lục Việt Nam, cũng như được chiêm ngưỡng bản di chúc Bác Hồ bằng lá thốt nốt lớn nhất, đạt kỷ lục Việt Nam do nghệ nhân Võ Văn Tạng thực hiện.
Bên cạnh, với việc tận dụng địa hình cùng mặt nước xanh trong, phẳng lặng của lòng hồ, hằng năm, vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống của huyện, Ban quản lý khu di tích lòng hồ đều tổ chức bắn pháo hoa, tổ chức các cuộc thi mang tính giải trí cao như: chạy xe đạp quanh núi, đi bộ lên đỉnh núi, thi bơi lội, đua thuyền rồng, các trò chơi dân gian dưới nước, hát đờn ca tài tử, thử làm ca sĩ,… qua đó thu hút đông đảo du khách thích thú, cùng tham gia và trải nghiệm.
Tuy nhiên, so sánh giữa những gì đạt được với thế mạnh và tiềm năng hiện có, cho thấy lòng hồ Ông Thoại vẫn chưa phát huy tốt nhất. Do vậy, để tập trung đẩy mạnh, phát triển bền vững hơn, nhằm thu hút đông đảo du khách tìm về với lòng hồ Ông Thoại, cũng như du lịch Thoại Sơn nói chung, hiện nay huyện đang tập trung công tác tuyên truyền quảng bá, kêu gọi đầu tư; sớm hoàn thiện Bộ nhận dạng thương hiệu du lịch; lập bản đồ du lịch và cẩm nang du lịch Thoại Sơn; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nguồn lực làm du lịch,… Tổ chức thêm các tour tuyến du lịch khép kín giữa ba không gian du lịch; tạo các chương trình mới như: tuần lễ mua sắm, biểu diễn nghệ thuật dân gian, cộng đồng hóa điệu múa Óc Eo cổ,… Riêng tại lòng hồ Ông Thoại, đã tiến hành khảo sát toàn diện, các hệ thống cơ sở vật chất, đang cải tạo, nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục; đầu tư, mở thêm khu vui chơi, tạo cảnh quan như trồng hoa, cỏ xanh, cải tạo nguồn nước,…
Đặc biệt, hiện nay khu du lịch đang tích cực kêu gọi đầu tư để sớm xây dựng nhà hàng đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch; xây dựng các tiểu cảnh theo hướng công viên sinh thái; phân khu tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch để giúp du khách tham quan, mua sắm. Với những nỗ lực và những giải pháp đưa ra, hứa hẹn, trong tương lai không xa, ngành du lịch huyện Thoại Sơn sẽ đạt được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy, phát triển nền kinh tế, xã hội của huyện cũng như của tỉnh An Giang.