Bảo tàng Con đường Hạnh Phúc

12:24, 06/02/2020

Cuối năm 2019, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ của Thái Nguyên có chuyến thực tế sáng tác tại Hà Giang. Trong rất nhiều điểm đến, tôi đặc biệt ấn tượng với Bảo tàng Con đường Hạnh Phúc. Bảo tàng được khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 9-2019. 

Công trình Nhà Bảo tàng khá thô sơ, giản dị, chưa hề có hướng dẫn viên giới thiệu. Tất cả khách du lịch như chúng tôi khi đi trên cung đường này đều có thể tự do dừng lại, ngắm nhìn, tìm hiểu và chụp ảnh lưu niệm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối năm 2019, UBND huyện Mèo Vạc phối hợp cùng Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn đã tổ chức khánh thành Nhà Bảo tàng sau gần một năm thi công. Bước vào Bảo tàng, chúng tôi ấn tượng ngay với không gian trưng bày gọn ghẽ trong diện tích chưa đầy 100m2. Những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật được lưu giữ ở Bảo tàng khiến bất cứ ai đến cũng có thể hình dung được quá trình làm đường đầy vất vả, gian nan với những vật dụng hết sức thô như: Chiếc xe đạp, những bi đông đựng nước đã cũ, chiếc ba lô bạc màu sờn rách, chiếc siêu đun nước, cái vai cày, những chiếc đèn măng xông… Từng hiện vật đều nhuốm màu thời gian xưa cũ. Tôi đặc biệt chú ý đến bức hình về những số liệu lịch sử được treo trên tường. Đó là số công sử dụng, về thanh niên chủ lực, dân công huy động, khối lượng đào lắp, ngày khởi công 10/9/1959, ngày hoàn thành con đường Hạnh Phúc 10/3/1965. Các số liệu này đều đã được khắc trên bia đá đặt tại Mèo Vạc để cho người dân cũng như khách du lịch tìm hiểu kỹ hơn về quá trình làm con đường lịch sử mang tên Hạnh Phúc. Tôi khẽ nhắm mắt, hình dung lại vào năm 1963, theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều thanh niên của 8 tỉnh (6 tỉnh khu Việt Bắc và 2 tỉnh Hải Dương, Nam Định) đã xung phong lên Hà Giang và được tuyển chọn để thực hiện nhiệm vụ vô cùng đặc biệt là thi công đoạn đường cao và nguy hiểm nhất trên đỉnh Mã Pì Lèng. Họ đã cùng nhau thực hiện 3 triệu lượt ngày công, san lấp hơn 3 triệu m3 đất đá bằng những dụng cụ thô sơ: Búa, xà beng, xe cút kít... Suốt 6 năm xây dựng, con đường huyết mạch kết nối giao thông từ T.P Hà Giang với các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn đã hoàn thành vào năm 1965 và được Bác Hồ đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Con đường được hình thành từ công sức, xương máu của hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP), là chứng tích về sức mạnh của tuổi trẻ, thể hiện ý chí quật cường của con người trước những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.

Giây phút các thành viên trong đoàn tham quan chúng tôi xúc động nhất sau khi tham quan Bảo tàng đó là ngắm nhìn tượng đài TNXP sừng sững giữa núi đá bao quanh. Trên bức tượng đài có khắc dòng chữ: TNXP 6 tỉnh khu Việt Bắc và Nam Định, Hải Dương quyết tâm hoàn thành thắng lợi mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Cạnh đó là nhà bia Tổ quốc ghi công khắc rõ họ tên, quê quán của 14 liệt sĩ đã hy sinh khi tham gia mở đường Hạnh Phúc. Trong số các TNXP ngã xuống, có liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm, sinh năm 1932, quê ở xã Mỹ Yên (Đại Từ) lên đây tham gia mở đường từ năm 1965. Cùng liệt sĩ Phẩm nằm lại mãi mãi trên cao nguyên đá là hai người con cũng ở quê hương Thái Nguyên: Dương Đình Sản, sinh năm 1940, xã Thượng Đình (Phú Bình); Hoàng Văn Việt, sinh năm 1934, ở xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên). 

Bảo tàng Hạnh Phúc không chỉ là chứng tích mà còn đang thực hiện sứ mệnh vinh danh niềm kiêu hãnh của con người trước thiên nhiên. Đây là nơi cho các thế hệ tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống vì tương lai của mảnh đất cao nguyên đá tràn đầy sức sống này. Cùng với tượng đài tôn vinh các TNXP, Bảo tàng Hạnh Phúc là công trình ý nghĩa thiết thực giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cũng là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tham quan và tìm hiểu về con đường lịch sử giữa mây, núi huyền thoại.