Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào ngày 25/6/2014. Danh hiệu Di sản thế giới kép này là động lực thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch cả nước nói chung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, đưa hình ảnh Ninh Bình đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hòa quyện giữa thiên nhiên và văn hóa vô cùng đặc sắc. Nơi đây, đan xen giữa những dải đá vôi là hệ thống thung lũng, hang động xuyên thủy, thảm thực vật rừng nhiệt đới nguyên sinh, chứa đựng một kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người.
Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình với tăng trưởng khách đến bình quân đạt 12%/năm, doanh thu du lịch tăng 25%/năm. Ninh Bình đã trở thành một trong các trung tâm du lịch lớn của cả nước và nằm trong 50 điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới.
Hơn 5 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Dự thảo “Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An” và “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)”, “Quy định quản lý Đồ án quy hoạch xây dựng chung Quần thể danh thắng Tràng An”.
Các Dự thảo quy chế, quy định đã nhận được sự tham gia góp ý rộng rãi của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương trong khu Di sản, trong đó xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong khu Di sản.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố trong khu Di sản đã bổ sung vào hương ước, quy ước ở các khu dân cư trong vùng bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An các nội dung liên quan tới bảo tồn các công trình kiến trúc, các hoạt động du lịch nhằm bảo vệ, phát huy các giá trị Di sản.
Chính quyền các địa phương và các sở, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi xâm hại Di sản, đồng thời tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp hành chính, kiên quyết xử lý dứt điểm, không để các hành vi xâm hại Di sản xảy ra; thực hiện đánh giá cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du khách thời điểm hiện tại và tương lai, tiếp tục nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến Di sản, đặc biệt là từ các dịch vụ du lịch.
Cùng với công tác quản lý, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị nổi bật của Di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các báo, đài truyền hình trung ương và địa phương; thực hiện tuyên truyền, quảng bá Di sản thông qua đón tiếp, hướng dẫn cho các đoàn khách ngoại giao trong nước và quốc tế, công ty lữ hành, các nhà báo, phóng viên, các đoàn làm phim trong nước và quốc tế về tham quan và tác nghiệp.
Khắc phục những tồn tại và bất cập
Di sản Tràng An trải rộng trên 12.000 ha thuộc địa giới hành chính của 5 huyện, thành phố. Hơn lúc nào hết vấn đề quản lý và phát huy giá trị Di sản đang được đặt ra hết sức cấp bách. Thống kê của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho thấy, hiện trong khu Di sản có trên 46.000 cư dân đang sinh sống, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn là thách thức hàng đầu, trong khi chưa có đủ nguồn lực về tài chính và quỹ đất để di dời dân sinh sống rải rác trong vùng lõi ra ngoài vùng đệm.
Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và những lợi ích mà Di sản mang lại của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, doanh nghiệp và người dân chưa cao; công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý tài nguyên tại một số địa phương còn chưa thực sự chặt chẽ; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm dẫn đến một số vụ, việc xâm hại Di sản chậm được phát hiện, xử lý chưa kịp thời, dứt điểm.
Các chế tài giám sát, kiểm tra và xử lý chưa đồng bộ, còn để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Theo ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An: Điều quan trọng nhất trong các giải pháp là tăng cường phổ biến quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản bằng những hình thức dễ hiểu, bằng những quy định cụ thể để cho du khách, đặc biệt là người dân, kể cả cán bộ quản lý nhà nước trong khu vực Di sản hiểu được giá trị của Di sản, nhận biết và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm di tích.
Những vụ vi phạm di tích trong thời gian qua đã chỉ ra “lỗ hổng” trong công tác quản lý Di sản, cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhất là đối với các cơ quan quản lý cấp cơ sở. Một việc làm không thể chậm trễ đó là Ninh Bình cần khẩn trương xây dựng quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, gắn với phát triển du lịch, đảm bảo sinh kế người dân, chú trọng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; làm tốt công tác dự báo, chủ động hợp tác quốc tế…
Ông Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng cho rằng: Việc tạo dựng danh hiệu Di sản đã khó, nhưng việc giữ được danh hiệu lại càng khó hơn. Di sản Quần thể danh thắng Tràng An là tài sản vô giá của nhân loại, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và trao lại cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần của Công ước Liên hợp quốc.
Thời gian tới chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng với doanh nghiệp và nhân dân để danh hiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Ninh Bình nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.