Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó tiêu biểu là đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Đây là một trong những khai quốc công thần hàng đầu của triều Lê, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ 15.
TRẦN NGUYÊN HÃN (1386 - 1429), là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và là cháu sáu đời của Chiêu Minh vương Tướng quốc Thái sư Trần Quốc Khải thời cuối nhà Trần. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Đa Cai, trang Sơn Đông (nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch). Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1418 và chiếm một vị trí quan trọng trong bộ tham mưu lãnh đạo nghĩa quân. Trần Nguyên Hãn giỏi binh pháp và là người đã trực tiếp tham gia vào nhiều trận đánh có tính chất quyết định với chiến thắng vang dội mang tính bước ngoặt như chiến dịch giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (tháng 8-1425), chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang (tháng 9-1427). Sau khi kháng chiến thành công, đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi vua (1428) và Trần Nguyên Hãn được phong Tả Tướng quốc.
Sau khi Trần Nguyên Hãn mất, đền thờ ông được xây dựng trên mảnh đất cao, rộng và bằng phẳng, tương truyền đó chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, chung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “Điền” vuông vắn. Các công trình xây dựng trong đền gồm ba phần chủ yếu là: Cổng đền, nhà tiền tế, hậu cung. Khu vực nội vi được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ gồm: Đền thờ chính, nghi môn, nhà tả mạc, nhà hữu mạc, lầu thiêu hương, nhà đặt đá mài gươm, sân vườn, tường rào,… Liên quan đến khu di tích Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, dân gian vẫn lưu truyền về thanh gươm thiêng và phiến đá mài gươm của ông. Theo đó, khi quân Minh xâm lược và đặt ách đô hộ lên nước ta, trong một lần đi rừng, Trần Nguyên Hãn đã tìm thấy một thanh sắt dài tại nương Gò Rạch. Đêm đêm, ông thường mang thanh sắt này ra mài thành gươm ở một hòn đá lớn bên bờ ao Son. Vì vậy, sau này hòn đá được gọi là phiến đá mài gươm. Trên phiến đá hiện vẫn còn một vết lõm ở giữa do vết chém thử gươm của ông lên đá. Từ đó, thanh gươm đã theo Trần Nguyên Hãn cùng Nguyễn Trãi vào Lam Sơn phò tá Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và đi vào huyền thoại với những chiến công lừng lẫy trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh đến ngày thắng lợi.
Ngày nay, khi thăm đền Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn tại xã Sơn Đông, khách tham quan vẫn còn thấy phiến đá mà ông từng mài gươm đêm đêm, nuôi chí lớn đánh giặc cứu nước. Trước đó, phiến đá mài gươm dài khoảng 2,49 m, rộng chừng 1,6 m, bề dày 0,4 m và nặng gần hai tấn đã được nhân dân địa phương chuyển về trong khuôn viên đền thờ Tả Tướng quốc để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Cùng với phiến đá mài gươm, phải kể đến cây lộc vừng cổ thụ quanh năm soi bóng dưới lòng hồ bán nguyệt trước đền cao khoảng 10 m, thân cây ba người ôm không xuể. Cụ Trần Văn Đề, thủ từ đền cho biết, theo lưu truyền, cây lộc vừng được trồng khi nhân dân trong vùng xây dựng đền thờ cách đây hơn 500 năm. Cây được trồng ở thế đất tốt, nhờ sinh dưỡng của đất trời cùng sự chăm sóc của các thế hệ nên tốt tươi phủ bóng như minh chứng cho uy danh bất diệt và cốt cách thanh tao, tự tại của Trần Nguyên Hãn.
Năm 1984, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có quyết định xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn là Di tích quốc gia. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông, nhất là vào dịp đầu Xuân, nhân dân trong vùng và khắp nơi trong cả nước thường về đây dâng hương tưởng nhớ công lao của người Anh hùng dân tộc.