Ninh Thuận, vùng “nắng như rang, gió như phan" (Phan Rang), gắn liền với cát, nắng nóng và sỏi đá, vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ, với kiến trúc tháp Chăm tiêu biểu, với biển xanh cát trắng, và nhiều trái cây đặc trưng của miền nắng gió. Đến với Ninh Thuận, khách du lịch không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, mà còn để thưởng thức những sản vật địa phương vô cùng đa dạng phong phú, từ sản vật của núi rừng, của biển, của đồng bằng… và những giá trị văn hóa được gìn giữ từ rất lâu đời.
"Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi
Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi"
Có ý kiến cho rằng các nhà thơ, nhạc sĩ thường “thi vị hóa” những gì họ nhìn thấy, nên dễ khiến ai đó thất vọng khi tận mắt chứng kiến điều mà các văn nghệ sĩ mô tả qua những tác phẩm của họ.
Nhưng Ninh Thuận của năm 2020 vẫn còn nhiều thứ gần như được giữ nguyên, như khi nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát Giấc mơ Chapi, lúc ông đi thực tế vùng đồng bào dân tộc người Raglai từ mấy chục năm về trước. Nghĩa là, một nửa tỉnh Thuận Hải cũ dường như vẫn ngủ quên, trong khi nửa còn lại là “người anh em hàng xóm” Bình Thuận đã phát triển và đổi thay hoàn toàn.
Không phải Ninh Thuận không có cơ hội bứt phá khỏi nhóm năm tỉnh nghèo nhất nước, song Ninh Thuận đã “bỏ qua” những dự án kinh tế siêu lớn như nhà máy thép Cà Ná hay điện hạt nhân Sơn Hải, để giữ cho riêng mình cái tuổi thanh xuân từ mấy chục năm trước đó.
Ở một khía cạnh nào đó, đó cũng lại chính là điều may mắn để đến giờ, chúng ta vẫn còn được chiêm ngưỡng những tuyệt tác của tạo hóa ở trạng thái nguyên sơ nhất có thể. Từ Hang Rái, Mũi Dinh, bãi rêu Từ Thiện, Vịnh Vĩnh Hy hay Vườn quốc gia Núi Chúa. Tất cả đều xứng đáng trở thành điểm đến thu hút khách tham quan bậc nhất, nếu như những điểm đến này nằm ở tỉnh Khánh Hòa láng giềng giàu có lúc nào cũng nườm nượp du khách, hay được một tập đoàn lớn nào đó đầu tư.
Nhưng như đã nói, thế mạnh của du lịch Ninh Thuận là du lịch khám phá, hiện giờ vẫn ở dạng “vẻ đẹp tiềm ẩn” như slogan của ngành du lịch năm nào. Kẹp giữa ba mặt núi nên Pandaranga (tên thời Chămpa) có khí hậu độc đáo nhất Việt Nam với rừng khô bán hoang mạc, đặc trưng là cát, xương rồng cùng những cây lá khô khẳng khiu nhưng bắt mắt.
Mặt còn lại của Ninh Thuận là cả trăm km bờ biển, tạo nên những cung đường tuyệt đẹp với một bên là đại dương xanh ngăn ngắt, một bên là đồi cát hoặc núi đá kiểu Địa Trung Hải. Thi thoảng lại bắt gặp ruộng nho, vườn táo, ruộng muối, rồi cả cánh đồng điện gió với cánh quạt khổng lồ quay tít không ngừng nghỉ.
Với những cung đường no gió và đầy nắng, có cảm giác như là khách đến Ninh Thuận thì cứ giơ điện thoại lên là có ngay những tấm ảnh đẹp. Đường đi vắng đến nỗi, có lúc bạn đi cả chục km mà không bắt gặp một bóng người nào, ngoài những đàn dê, đàn cừu hay đàn bò đi lang thang khắp nơi kiếm thức ăn vào ban ngày, nhưng tới khi trời xâm xẩm tối thì đàn nào lại về đàn nấy. Khung cảnh ấy làm cho bạn có cảm giác giống như là được trải nghiệm cuộc sống du mục trên thảo nguyên xanh vậy.
Thế nên, lựa chọn đi du lịch Ninh Thuận vào thời điểm này thật đáng giá trong bối cảnh hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng khác đều dường như quá tải. Hiềm một nỗi là những bài viết review về du lịch Ninh Thuận hiện vẫn còn quá ít ỏi, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ vài bài viết về cộng đồng người Chăm và Lễ hội Katê.
Nhắc đến người Chăm thì điều thú vị nhất không phải là Tháp Pô Klông-Garai độc đáo, mà là chế độ mẫu hệ vẫn được duy trì bao đời nay. Điển hình là người phụ nữ sẽ chủ động đi tìm và lấy chồng về, và thông thường thì người con gái con út sẽ phụng dưỡng mẹ già, rồi tiếp nối tới người cháu gái sẽ nhận trách nhiệm “nối dõi tông đường”.
Không chỉ có những khung cảnh đẹp, Ninh Thuận còn có nhiều “tài nguyên” văn hóa nghệ thuật đa dạng từ rất lâu đời. Điển hình như Làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng, tọa lạc gần quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chỉ 10 km về hướng nam.
Tương truyền, Tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh, người từng từ chối chức quan cao trong triều, người đã dạy phụ nữ trong vùng cách chế tác những đồ dùng nồi niêu, chai lọ, vật dụng trang trí bằng chính đất sét trong làng.
Cho tới nay, các sản phẩm gốm Bàu Trúc vẫn sử dụng loại đất nằm sâu ở triền sông Quao, khiến cho chất lượng đồ gốm của làng không đâu có được. Chính vì vậy, làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất còn tồn tại, là một trong những cái tên có trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ làng gốm Bàu Trúc, đi thêm 2 km nữa là sẽ gặp làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (hay làng Chăm Irahani), nơi gìn giữ và lưu truyền phương thức dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Chăm. Nơi đây hoàn toàn vắng bóng của máy móc công nghiệp, bởi những nghệ nhân của làng vẫn miệt mài và kiên trì giữ lại những kỹ thuật cầu kỳ của người xưa truyền lại.
Ấn tượng nhất là những bí quyết làm nghề không hề đơn giản, xuất hiện trong tất cả các khâu từ tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải cho đến đánh óng... Chỉ riêng việc chuẩn bị màu nhuộm tơ đã lắm kỳ công. Để nhuộm màu đen, người nghệ nhân phải dùng lá chum bầu đen ngâm trong bùn non suốt một tuần liền, trong khi đó, màu đỏ được lấy từ cây cánh kiến trong rừng, còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm…Và đó mới chỉ là câu chuyện của màu. Để cho ra đời một mảnh vải thổ cẩm tinh xảo còn đòi hỏi nhiều công sức, sự am tường, thẩm mỹ và đôi bàn tay tỉ mẩn của người nghệ nhân, thuần thục làm theo chỉ dẫn tự bao đời nay.