Nhiều năm qua, phụ nữ dân tộc Mông ở xã Lóng Luông (Vân Hồ) không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn phát triển nghề may trang phục dân tộc trở thành sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy dịch vụ du lịch tại địa phương.
Bà Sồng Thị Súa, ở bản Săn Cài, có hơn 20 năm trong nghề làm trang phục dân tộc Mông. Trong không gian đậm nét văn hóa, trưng bày đa dạng mẫu váy, áo dân tộc truyền thống, bà Súa và con gái đang tỷ mẩn với từng nét thêu trang trí họa tiết trên các váy, áo. Dưới bàn tay khéo léo của bà Súa, những họa tiết hiện ra sắc nét trên những bộ trang phục người Mông đen, Mông hoa... Bà Súa bảo: Là con gái dân tộc Mông, ai cũng biết may, thêu trang phục dân tộc mình. Bao đời nay, từ lúc còn nhỏ, các bé gái đã được các bà, các mẹ cho làm quen với những tấm vải, sợi chỉ rực sắc. Trong ký ức của bà Súa vẫn còn vẹn nguyên kỷ niệm về những ngày thơ ấu được mẹ cầm tay dạy cách thêu từng họa tiết cho đến việc may, ghép những tấm vải tạo nên hình dáng của những chiếc váy, chiếc áo. Và bây giờ, bà Súa không chỉ làm trang phục cho mọi người trong nhà, mà lại tiếp tục truyền dạy cho con gái và con dâu. Ngày con gái đi lấy chồng, bà Súa cũng sắm cho con một chiếc máy may mới, là một trong những “của hồi môn” để con mang về nhà chồng. Tất cả những điều đó đã trở thành nét đẹp truyền thống và phục vụ cho chính nhu cầu sinh hoạt thiết thực của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Cửa hàng may, bán và cho thuê trang phục dân tộc của chị Tráng Thị Dua, bản Pa Kha, xã Lóng Luông.
Không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt, trang phục dân tộc Mông đã và đang từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm phục vụ các hoạt động du lịch ở Lóng Luông. Chị Tráng Thị Dua, bản Pa Kha đã có hơn 5 năm “bén duyên” với nghề kinh doanh cửa hàng bán và cho thuê trang phục dân tộc Mông. Trước đây, để hoàn thành một bộ trang phục truyền thống, công đoạn mất nhiều thời gian nhất là thêu họa tiết bằng tay. Nhưng mấy năm gần đây, để phục vụ công việc sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thay vì thêu tay, chị Dua đã sử dụng máy khâu để thêu họa tiết, vừa rút ngắn thời gian, mà vẫn đảm bảo mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ngoài bán lẻ cho người dân địa phương, chị còn mở dịch vụ cho khách du lịch thuê để trải nghiệm; trung bình mỗi tháng, chị Dua có từ 1 - 2 đơn hàng cho khách mua buôn trong và ngoài tỉnh, cung cấp khoảng 100 bộ/đơn. Chị Dua chia sẻ: Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã có niềm đam mê với công việc thêu thùa, may vá. Mong rằng công việc của tôi sẽ góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc, đồng thời giới thiệu hình ảnh đẹp về đồng bào Mông với khách du lịch.
Tìm hiểu được biết, xã Lóng Luông có trên 83% là đồng bào dân tộc Mông, với khoảng 5.300 người sinh sống tập trung tại 8/9 bản. Phần lớn phụ nữ Mông ở Lóng Luông vẫn sử dụng trang phục dân tộc trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Đặc biệt, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ lựa chọn phát triển nghề may trang phục dân tộc theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nên những sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch. Đến nay, trên địa bàn xã Lóng Luông đã có trên 20 gia đình có dịch vụ may, thêu để cho thuê, bán các trang phục dân tộc và các sản phẩm thổ cẩm khác như túi thêu, mũ, khăn tay, khăn đội đầu...
Những sản phẩm, trang phục truyền thống vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống thường nhật của đồng bào Mông ở Lóng Luông. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch, những món quà ý nghĩa dành cho du khách thập phương trong hành trình khám phá, trải nghiệm vùng đất này. Tin rằng, nét đẹp ấy sẽ tiếp tục được bà con gìn giữ, bảo tồn, đồng thời phát huy hiệu quả trong việc quảng bá, phát triển du lịch ở địa phương.