Cây tao, theo cách gọi của đồng bào Dao đỏ Yên Bái là một loại cây mọc tự nhiên ở đồi rừng. Từ nhiều đời nay, củ tao không chỉ được bà con dùng để chưng cất rượu truyền thống mà còn được chế biến thành nhiều món ngon dân dã, độc đáo
Tao chính là cây đao, một loại cây mọc tự nhiên trong rừng có thân giống thân cọ, to bằng cả người ôm. Lá tao giống lá dừa, quả ra từng chùm như cau, phần củ trắng như gạo rất ngọt và mềm. Khi tao khoảng 5 - 7 năm tuổi, thân tao có độ cao từ 2 đến 2,5m mới cho củ to và ngon.
Khi thu hái tao, bà con bóc lấy củ và thường chặt phần gốc sát mặt đất. Và chặt tao cũng phải biết cách chặt sao cho dễ bóc, bởi với thân cây tao xù xì, bẹ cứng nên để chặt lấy được củ tao cũng phải mất thời gian nửa ngày. Khi chặt phải chặt từng bẹ lá từ phía ngoài vào trong cùng để lấy được phần củ tao rất non và mềm.
Tuy nhiên không phải mùa nào tao cũng bở và ngon. Đặc biệt tao khi đã ra buồng tạo quả thì không ăn được, vì khi đó tao đẽ hết phần củ. Theo chị Lý Thị Líu, thôn Sâm Trên, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, thông thường vào mùa đông bà con mới chặt tao, bóc lấy củ, bởi thời điểm đó ít mưa, tao cũng ít nước, nên khi chế biến tao mới bở và ngọt. “Cứ phải mùa đông mới chặt tao để ăn, chứ mùa mưa tao sẽ ngấm nhiều nước, không bở và ngọt. Mùa đông ăn món tao là ngon nhất, loại củ này chủ yếu nấu với thịt gà và hầm xương rất ngon” - chị Lý Thị Líu cho biết.
Tao sau khi được chặt về, sẽ bóc bỏ phần bẹ già cứng để lấy phần củ non, bổ miếng nhỏ dài khoảng 5cm; sau đó ngâm vào chậu nước để tao ra hết phần nhựa màu vàng, khi chế biến tao mới trắng, cho màu sắc đẹp và ngon. Đồng bào Dao đỏ Yên Bái thường nấu canh tao thịt gà, tao hầm xương, tao xôi để chấm… Đặc biệt món tao nấu canh thịt gà mùi vị rất thơm ngọt và thanh mát.
Để có món canh tao thịt gà ngon, cần chuẩn bị một con gà khoảng 1-1,5kg. Gà sau khi mổ làm sạch, chặt miếng vừa, ướp muối trắng 30 phút, đem xào cho săn thịt. Đến khi có mùi thơm sẽ thêm nước sôi ngập qua phần thịt, đun liu riu lửa đến khi thịt gà mềm mới cho phần tao đã bổ miếng vào đun đến khi tao bở, mềm thì thái một ít lá gừng vào đảo đều, rồi tắt bếp. “Để món canh tao được thơm, ngọt đúng vị thì không nêm mì chính, bởi vì chính củ tao đã có chất ngọt tự nhiên. Vì thế tao nấu các món xương chỉ cho muối trắng. Món tao nấu thịt gà thì cho thêm ít lá gừng để tạo độ thơm ngon” - chị Đặng Thị Nái, thôn Khe Giang, xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Món canh tao thường ăn nóng, ăn với cơm rất ngon. Vị bùi của tao hòa cùng độ ngọt của xương, thịt làm cho món canh tao từ một loại cây của núi rừng này càng thêm ngon ngọt. Chị Nguyễn Thị Huệ, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cảm nhận: “Món này lần đầu mình thưởng thức thì chưa cảm nhận được vị ngọt thơm, thanh mát của nó. Thế nhưng ăn lần 2, lần 3 trở đi thì mình rất thích, mùi vị rất khác với nhiều món ăn mình đã thưởng thức. Đặc biệt là khâu chế biến đơn giản, không cầu kỳ về gia vị mà lại rất dễ ăn”.
Giờ đây, các món chế biến từ củ tao không chỉ là món ăn dân dã trong mâm cơm của đồng bào Dao đỏ Yên Bái, mà còn trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích, muốn được thưởng thức mỗi khi đến với các bản làng nơi đây./.