Những ngày Hè nóng nực, oi ả, du khách đến thăm quần thể Di tích đền Sóc (hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, T.P Hà Nội) sẽ cảm nhận được không khí dễ chịu, mát mẻ, yên bình. Trong khuôn viên Di tích là những hàng cây có tuổi đời hằng trăm năm xanh mát mắt. Đây là một địa điểm thú vị cho những chuyến dã ngoại cuối tuần khi du khách muốn tìm về với du lịch văn hóa, tâm linh.
Quần thể Di tích đền Sóc nằm trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, gắn liền với với huyền thoại Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm. Quần thể gồm 7 công trình kiến tạo. Mỗi công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật riêng, đó là: Đền Trình, đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, khu nhà Bia (lăng bia đá 8 mặt), chùa Non và khu tượng đài Thánh Gióng.
Điểm nhấn của Di tích là đền Thượng, nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương và các vị thánh, thần. Đền Thượng có lối kiến trúc đa dạng và niên đại xa xưa nhất. Theo bia đá 8 mặt, mặt số 4 có ghi đền Thượng được xây dựng vào thời tiền Lê (khoảng thế kỷ thứ X), đã qua 13 lần trùng tu. Đền mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, chỉ còn một số ít họa tiết, hoa văn giữ lại của thời Tiền Lê.
Du khách đến đây không chỉ cảm nhận được không gian trong lành, thanh tịnh mà còn cầu Thánh phù hộ độ trì, ban cho sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mọi việc hanh thông, tươi tốt. Nơi đây còn là công trình nghệ thuật đặc sắc thôi thúc du khách phải khám phá, tìm hiểu.
Đền Thượng có kiến trúc, bố cục mặt bằng hình chữ "công”, bao gồm: tiền tế, trung từ, hậu cung. Mái đền lợp ngói mũi hài kiểu cổ. Hệ thống đao cong chồng diên hai tầng, tám mái tạo sự thoáng mát. Mái đền có kiến trúc "độc nhất vô nhị” tại các nơi thờ tự của người Việt đó là 2 lần "lưỡng long chầu nguyệt”. Đền có 5 gian, 2 dĩ, kết cấu bằng gỗ lim, chạm khắc tinh xảo, cân xứng thể hiện phong cách, kiến trúc đặc trưng đền, chùa của người Việt.
Đền Thượng có kiến trúc, bố cục mặt bằng hình chữ "công”.
Hậu cung là nơi thờ đức Phù Đổng Thiên Vương cùng nhiều vị thánh, thần. Ngai thờ, án hương được xây bằng vôi, mật mía, giấy bản, muối và đá núi. Đây là hình ảnh tượng trưng thu nhỏ 99 ngọn núi của hệ Tam Đảo chạy về hướng Đông thành ngai thờ. Đã qua 13 lần trùng tu nhưng toàn bộ ngai thờ và tượng vẫn giữ được nguyên mẫu.
Một trong những điểm nhấn nữa của quần thể Di tích này là đỉnh núi Vệ Linh. Tại đây, du khách còn có dịp ghé thăm nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến. Đặc biệt, còn có bia đá ghi lại lịch sử hình thành đền Sóc và lễ hội đền Sóc, giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc của quần thể Di tích này.
Đến với quần thể Di tích đền Sóc, du khách không thể bỏ qua khu tượng đài Thánh Gióng được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng. Dọc con đường dẫn lên tượng đài Thánh Gióng được bao quanh bởi rừng thông trên 50 năm tuổi, là điểm đầu của các dãy núi thuộc hệ Tam Đảo ở phía Đông với thế "long chầu, hổ phục”, tạo nên cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, một vùng hội tụ khí thiêng của đất trời.
Tượng người tráng sĩ trên mình ngựa sắt, tay cầm tre đằng ngà thật hiên ngang, vững chãi, mặt hướng về phương Nam nơi quê mẹ. Tượng đài Thánh Gióng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam nặng 85 tấn, cao 11,7 mét. Tượng sừng sững vươn cao, biểu thị cho sức mạnh, tinh thần chiến thắng, ý thức tự lực, tự cường, sự khát khao hòa bình của người Việt Nam.
Năm 1962, quần thể Di tích đền Sóc đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc.