Tháng 10, Hà Nội bước vào những ngày thu đẹp nhất và cũng là thời điểm khiến nhiều người yêu Hà Nội nhung nhớ nhất trong năm bởi ngày 10-10 là ngày Thủ đô được giải phóng.
Đầu tuần, người bạn đang công tác tại Báo Kinh tế và Độ thị gửi cho tôi một loạt ảnh phong cảnh Hà Nội vừa chụp kèm lời nhắn: Đang vào Thu nên thời tiết rất đẹp. Hà Nội đợt vừa rồi thực hiện giãn cách vì dịch COVID-19, người dân hạn chế ra đường nên khung cảnh yên bình, tĩnh lặng hơn thường lệ”.
Lần đầu tiên đặt chân tới Thủ đô đúng dịp mùa Thu cách đây gần 20 năm, tôi cũng bị ấn tượng bởi khung cảnh yên bình như vậy. Với rất nhiều người, Hà Nội đẹp không phải bởi phố phường sầm uất, những căn nhà cao tầng mà điều đọng lại, gây vương vấn là sự cổ kính, bình dị; những tuyến đường rợp bóng cây xanh, những loài hoa và sản vật đặc trưng đã vào nhiều tác phẩm thi ca.
“Hà Nội mùa Thu, mùa Thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về thơm từng con gió. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”.
Không biết từ bao giờ, nhắc đến hoa sữa là người ta nghĩ ngay đến mùa Thu Hà Nội. Từng chùm hoa trắng ngà, tinh khôi với hương thơm như quyện vào hơi thở. Những bông hoa sữa nhỏ e lệ nép dưới tàng cây, hễ có cơn gió thổi qua là khẽ rung rinh, chao lượn đôi chút rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Có người không thích, cho rằng hương hoa sữa quá đậm gây mệt mỏi, nhức đầu. Ngược lại, với nhiều người đó lại là mùi thơm gây nghiện. Ngồi dưới gốc cây hoa sữa đương nở, nhấp ngụm trà và thưởng thức hạt cốm xanh non, khiến bản thân mỗi người cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái sau những giờ học tập hay làm việc vất vả.
Cột cờ Hà Nội.
Tiết trời vào Thu, những con đường Hà Nội lại càng trở nên đẹp hơn. Đường Phan Đình Phùng từ lâu được coi là biểu tượng của sự lãng mạn ở Hà Nội. Dài khoảng 1,5km, đây là con đường có vỉa hè rộng nhất nhì Thủ đô với những cây sấu cổ thụ; dọc hai bên là những dãy nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ độc đáo. Tản bộ dưới những hàng cây, cảm nhận nắng thu xuyên qua từng kẽ lá là một trải nghiệm thú vị.
Đường Hoàng Diệu được phủ xanh bốn mùa bởi hàng xà cừ cổ thụ, ghi dấu những công trình lịch sử như: Hoàng thành Thăng Long, cổng đoan môn và đặc biệt là căn nhà số 30 của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đường Thanh Niên nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch; nhìn từ trên cao xuống, con đường giống như cây cầu bắc ngang qua một con sông lớn. Điều đặc biệt là tên đường Thanh Niên được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt để ghi nhận công sức của thế hệ trẻ đã làm nên con đường.
Chạy dọc bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Đinh Tiên Hoàng nằm ở trái tim của Thủ đô Hà Nội. Trên phố có đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong - di tích còn lại của chùa Báo Ân và bưu điện Hà Nội với chiếc tháp đồng hồ lịch sử. Một bên là hồ Gươm, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử, một bên là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và các trung tâm đầu não của Thủ đô khiến phố Đinh Tiên Hoàng trở thành một trong những tuyến phố du lịch có không gian đẹp nhất Hà Nội.
Hà Nội vào Thu còn đặc trưng với những chiếc xe đạp chở hoa tươi đi khắp các phố phường; là những món ăn dân dã đã làm nên thương hiệu như cốm làng Vòng, xôi cốm hạt sen, sấu chín dầm, hồng ngâm, bún ốc… Đặc biệt hơn cả, mùa Thu gợi nhớ ký ức thiêng liêng về ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng (10/10/1954); âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng với những thế hệ hiện tại và mai sau.