Căng - Đồn Nghĩa Lộ: Một thời hoa lửa

Phương Thảo 16:35, 04/09/2023

Đến với TX. Nghĩa Lộ (Yên Bái), chúng tôi không khỏi nghẹn ngào khi thắp nén tâm nhang trong Khu di tích (KDT) Căng - Đồn Nghĩa Lộ, nơi giam cầm, đọa đày hàng ngàn người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Và thầm cảm ơn chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi đây đã nỗ lực giữ gìn KDT, kể lại ký ức về một thời hoa lửa bi hùng cho các thế hệ sau.

Đoàn Hội Nhà báo Thái Nguyên tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ. Ảnh Lê Hưng.
Đoàn Hội Nhà báo Thái Nguyên tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ. Ảnh Lê Hưng.

Nơi ghi dấu những ký ức bi hùng

Trong chuyến công tác tại Yên Bái mới đây, Đoàn Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên chúng tôi được các đồng nghiệp Hội Nhà Báo Yên Bái đưa đi thăm một số điểm di tích lịch sử tại TX. Nghĩa Lộ.

Đoàn đã đến thăm, dâng hương, dâng hoa và bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ tại KDT Căng - Đồn Nghĩa Lộ, nơi cách đây gần 80 năm, thực dân Pháp đã di chuyển gần 100 tù chính trị từ Căng Bá Vân (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) lên nơi đây giam cầm.

Anh Trịnh Hoàng Yên, Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà Báo Yên Bái, cho biết: Từ “Căng” tiếng Pháp có nghĩa là “tập trung tù chính trị”. Căng - Đồn Nghĩa Lộ là nơi đã từng diễn ra cuộc bạo động phá căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945. Di tích lịch sử này cũng ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Từ những năm 1900, khi Nghĩa Lộ còn thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn, để tiện cho việc cai trị, thực dân Pháp đã lập nên ở đây một bộ máy gồm có hệ thống chính quyền, lực lượng cảnh sát và quân sự lớn mạnh với đồn lính khố xanh Nghĩa Lộ, Tú Lệ kiên cố.

Chúng đã dùng nhà tù như một công cụ để trừng phạt, đàn áp những người chống đối và cho xây dựng Căng Nghĩa Lộ để giam giữ tù chính trị. Từ đầu những năm 1930 trở đi, Căng Nghĩa Lộ được mở rộng và nâng cấp thành nhà tù cấp Đông Dương.

Nhà bia Di tích Căng Bá Vân hiện nay tại xã Bình Sơn (TP. Sông Công). Ảnh: Trịnh Phương.
Nhà bia Di tích Căng Bá Vân hiện nay tại xã Bình Sơn (TP. Sông Công). Ảnh: Trịnh Phương.

Dẫn chúng tôi thăm KDT, anh Nguyễn Tiến Nam, cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TX. Nghĩa Lộ, giới thiệu: Vào thời điểm năm 1944, khi phong trào cách mạng vùng căn cứ địa Việt Bắc dâng cao, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong nhà tù đế quốc luôn tìm cách vượt ngục ra ngoài hoạt động. Trước tình hình ấy, chính quyền thực dân có ý định chuyển số tù chính trị ở Căng Bá Vân lên giam tại Nghĩa Lộ. Từ tháng 2-1944, thực dân Pháp xây dựng kiên cố lại trại giam tù ở đồi Pú Chạng (Nghĩa Lộ) thành căng. Căng được xây vững chắc gồm 3 dãy nhà giam dài, được vây chặn bằng 3 lớp rào kiên cố có hào sâu bao quanh, dưới có cắm chông.

Theo anh Nguyễn Tiến Nam, cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TX. Nghĩa Lộ: Đầu năm 1945, gần 100 chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp xiềng xích, giải từ Căng Bá Vân lên Căng Nghĩa Lộ. Chúng nói là đi “an trí” những thực chất là chuyển đi giam cầm, đầy ải rất dã man ở nơi xa xôi hẻo lánh vùng Tây Bắc. Trong thời gian ngắn, nhiều đảng viên Cộng sản bị tra tấn, đánh đập, đày đoạ, mặc cho bệnh tật không cứu chữa, phải vùi thân tàn tạ trong rừng ổi.

Dù vậy, các tù chính trị vẫn thành lập Chi bộ trong căng, thành lập ban lãnh đạo tối cao (gọi là Ủy ban nhà tù) gồm các đồng chí: Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Sỹ Nghiêm, Nguyễn Văn Đối (sau này lấy tên hoạt động là Vương Thừa Vũ), Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc.

Ngoài ra, Căng còn có Ban tuyên truyền, ấn loát; Ban địch vận - binh lương; Ban tham mưu; Ban y tế... Họ còn ra một tờ báo lấy tên “Đường nghĩa” do đồng chí Trần Huy Liệu phụ trách.

Những dấu tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ được lưu lại. Ảnh Lê Hưng.
Những dấu tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ được lưu lại. Ảnh Lê Hưng.

Ngày 9/3/1945, pháp xít Nhật đảo chính thực dân Pháp. Nắm lấy thời cơ, Ủy ban nhà tù quyết định đấu tranh vũ trang để thoát khỏi nơi giam cầm. Chi bộ nhà tù đã họp bàn, quyết định đến đêm 18/3/1945 khởi sự, nhưng chiều ngày 17/3/1945, viên Phó sứ Yên Bái Pen-li-ê (Penlie) bất ngờ tạt vào kiểm tra Căng. Khi hắn vào, một tù chính trị ôm và quật ngã, thấy vậy địch ra lệnh nổ súng. Tranh thủ lúc hỗn loạn, các chiến sĩ ta phá rào, chạy ra ngoài. Nhiều người đã thoát, được nhân dân cưu mang, về được Chiến khu Vần. 11 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có Nhạc sĩ Đinh Nhu (1910-1945), người Hải Phòng.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Để tưởng nhớ các trận chiến đấu oanh liệt, ngày 25/7/1992, UBND huyện Văn Chấn (cũ) ra quyết định xây dựng “Đài tưởng niệm Căng - Đồn Nghĩa Lộ” ghi tên 9 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh năm 1945.

Theo anh Đinh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa TX. Nghĩ Lộ, ngày 27/9/1996, Căng - Đồn Nghĩa Lộ vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và đã được đầu tư, tôn tạo nhiều lần để xứng tầm với những giá trị lịch sử vốn có. Ngày nay, khu đồi Pú Chạng xưa với khuôn viên rộng 2,5ha được bố trí thành 3 khu riêng biệt gồm: Khu Tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ; khu Nhà bia ghi danh 403 Anh hùng, liệt sĩ và khu mộ cùng Đài tưởng niệm 9 chiến sĩ đã hy sinh trong trận phá Căng - Đồn vượt ngục năm xưa.  

Cùng với việc tu bổ, tôn tạo, đón tiếp du khách và nhân dân tới thăm viếng, KDT Căng - Đồn Nghĩa Lộ cũng góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ qua các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn và bổ ích.

Ban Quản lý KDT thường xuyên phối hợp tổ chức cho học sinh các cấp trên địa bàn tham gia chăm sóc các hạng mục công trình, để các em thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn truyền thống lịch sử quê hương…

Chia tay các điểm di tích lịch sử quan trọng của Nghĩa Lộ - Mường Lò, chúng tôi, những người làm Báo Thái Nguyên vẫn như còn nghe đâu đây những nốt nhạc trầm hùng trong bài hát “Cùng nhau đi Hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh”… của Nhạc sỹ Đinh Nhu, người đã mãi mãi nằm lại với đồng đội trong Ngôi mộ chung hình hoa ban 9 cánh.