Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có khoảng trên 200ha rừng cọ, tập trung ở các xã như: Trung Lương, Bình Yên, Lam Vỹ, Điềm Mặc… Những cánh rừng cọ vươn cao, xanh ngút tầm mắt đã trở thành một nét cảnh quan đặc trưng của vùng chiến khu xưa. Cây cọ đã gắn với đồng bào Định Hóa, trở thành một biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, bền chặt đến thiêng liêng.
Không những vậy, cây cọ còn có giá trị tương đối lớn về mặt kinh tế. Tất cả các bộ phận từ cây cọ đều có thể tận dụng. Lá cọ dùng để lợp mái nhà tước lấy gân lá để bán, cuống lá dùng để chẻ nan dệt mành, hoặc thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, quả cọ có vị bùi, ngậy là món quà dân dã hấp dẫn với nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này
Vào quãng giữa tháng 7 (âm lịch) hàng năm là những cây cọ trong rừng bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 (âm lịch) là những trái cọ bắt đầu chín, màu vỏ xanh đậm rồi ngả sáng ra như màu xanh da trời.
Lúc này chính là mùa thu hoạch cọ rừng. Cọ chín sau khi hái về, ngâm trong nước ấm nóng khoảng 50 - 60 độ, khoảng 10 phút sau là chín, cùi dầy vàng ươm, thơm một mùi hương thật khó tả, giống hệt một viên mỡ gà được vo tròn lẳn, dính vàng cả mười đầu ngón tay, mỗi năm mới được ăn một lần.
Quả cọ được hái về rửa sạch bụi đất, đem xóc lẫn với những mảnh cật nứa già cho bong vỏ xanh sau đó mang đi ỏm. Nước ỏm quả cọ phải được đun bằng nước giếng khơi hay nước nguồn, khi nước nóng già nổi bọt lăn tăn, thì cho quả cọ vào ỏm, đến khi bóp thấy cọ mềm, nước váng nổi vàng sóng sánh như mỡ gà là có thể ăn được rồi, cọ ỏm có lớp vỏ mỏng màu nâu sẫm, lõi cọ màu vàng, càng dầy càng ngon. Khi ỏm cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp với độ sôi của nước, nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được. Thế nên ỏm được một mẻ cọ ngon là phải khéo léo, kì công. Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy dẻo, dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý. Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hay tương ớt.
Quả cọ ngoài mang ỏm thì còn có thể làm dưa. Mùa cọ các bà các chị còn chọn những quả cùi dày, béo rồi mang cạo sạch vỏ đem làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.
Đến với ATK Định Hóa, du khách không chỉ đến với một vùng đất giảu truyền thống cách mạng, vùng đất ấy còn níu bước chân người bởi những sản vật địa phương dân giã nhưng mang đậm hồn quê như măng đắng, cọ bùi…