Khẩu sli hay còn gọi là bánh bỏng gạo thoạt nhìn, món ăn này tưởng chừng như đơn giản nhưng đằng sau đó chứa đựng biết bao sự dụng công của người làm. Và hơn cả nó còn chứa đựng mong muốn về sự gắn kết trong mối quan hệ anh em, họ tộc và trong cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày.
Ngọt thanh vị mật mía, thơm cay mùi gừng, giòn tan trong khoang miệng là những cảm nhận đầu tiên của bất kỳ ai khi thưởng thức món ăn truyền thống này. Tôi đã đi gặp bà Nguyễn Thị Hà, thôn Bãi Lềnh Cắm Xưởng, xã Bảo Cường (Định Hóa) - người suốt 10 năm qua đảm trách làm bánh Khẩu sli trong mâm lễ của huyện dâng tại Lễ hội Lồng Tồng.
Bà chia sẻ bí quyết: Để làm được Khẩu sli thơm ngon thì từ khâu chọn nguyên liệu đã phải rất kỹ càng. Gạo nếp phải là giống nếp Vải hoặc nếp Cái hoa vàng. Chọn lấy những hạt gạo còn nguyên không gãy nát. Sau đó mang gạo đi ngâm khoảng 2 tiếng rồi vớt ra. Lúc này người làm Khẩu sli sẽ lấy bột ngô tẻ hoặc gạo tẻ trộn vào gạo đã ráo nước trước khi cho vào chõ để đồ xôi. Việc này sẽ giúp các hạt xôi không bị bết dính vào nhau. Trong lúc đồ xôi phải canh để hạt gạo vừa chín tới thì bỏ ra, quá lửa xôi sẽ ướt không làm được bánh. Xôi đồ xong được cho ra cán tơi từng hạt. Khoảng 8 -10 tiếng sau, bỏ xôi vào cối giã để hạt cơm dẹt lại, khi đó mang đi rang hạt xôi mới phồng đẹp. Khi rang bỏng, mỗi mẻ chỉ rang một lượng bằng khoảng lưng bát ăn, như thế hạt bỏng mới giòn đều. Bỏng rang xong sẽ được trộn với mật mía hoặc đèn phèn đã nấu dẻo ở độ như người ta làm kẹo kéo (ngon nhất vẫn là nấu với mật mía). Ngày nay, tùy theo sở thích mà người làm khẩu sli có thể cho thêm lạc hay vừng vào bánh. Người ta cũng có thể dùng cốm để làm nguyên liệu cho món bánh này. Trước đây, vì khó khăn, không sẵn bánh kẹo như bây giờ nên người lớn thường làm bánh Khẩu sli để sắp lên ban thờ cúng tổ tiên trong những dịp lễ, tết, làm quà biếu và làm quà cho con trẻ. Trong những ngày lễ chính trong năm, nhất là Tết Nguyên đán thì trong mâm lễ cúng gia tiên của người Tày (Định Hóa) sẽ không thể thiếu món Khẩu sli.
Bà Nguyễn Thị Hà vẫn đồ xôi làm bánh Khẩu Sli bằng chiếc chõ thân dưới là đồng, nửa trên bằng gỗ.
Trong trí nhớ của bà Hà, những ngày Tết của tuổi thơ đều gắn với làm bánh Khẩu sli. Tối giao thừa, chị em bà phụ mẹ làm một mẻ để sắp lên ban thờ lễ gia tiên đón thời khắc giao thừa. Do trước đây không có gì bảo quản, bánh để lâu bên ngoài sẽ không giòn nữa nên ngày mùng 1 Tết, gia đình lại làm mẻ mới để thiết đãi khách và cũng chỉ làm đủ ăn trong ngày. Mỗi ngày làm một mẻ cho đến khi hết Tết.
Ngày nay, dù cuộc sống đã đủ đầy hơn, nhưng với bà con người Tày nói riêng và người dân Định Hóa nói chung, Khẩu sli không chỉ là món ăn để nhớ về một thời đã qua mà nó đã trở thành món ăn truyền thống chứa đựng văn hóa của cộng đồng người Tày ở mảnh đất An toàn khu kháng chiến. Ý nghĩa trao truyền đó vẫn được người Tày gìn giữ đến hôm nay. Mỗi độ Tết đến Xuân về trong mâm cao cỗ đầy của mỗi gia đình, Khẩu sli vẫn chiếm một vị trí đặc biệt không thể thiếu. Đúng như cái tên của nó “khẩu” là cơm, “sli” là kết dính, người Tày gửi gắm vào món ăn này cả một nhân sinh sâu sắc. Đó là sự đoàn kết, chan hòa và nhân ái.