Thu tới làm ta bâng khuâng nhớ đến hương hoa sữa nồng nàn, hình ảnh quả thị vàng ươm, những hạt cốm xanh nhạt được gói trong lá sen và chiếc bánh nướng, bánh dẻo với hương vị gắn liền với tuổi thơ. Hiện nay bánh trung thu có rất nhiều hương vị, kiểu dáng, màu sắc nhưng bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống dường như chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn, sức hút của mình với lớp vỏ mềm mịn quyện với phần nhân thập cẩm đủ vị, thơm ngon.
Hà Nội những ngày thu năm nay không còn ồn ã, náo nhiệt mà thay vào đó là không giãn tĩnh lặng, bình yên. Những ngày giãn cách xã hội với tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", còn gì thú vị hơn khi cùng người thân nhâm nhi tách trà sen tỏa hương thơm mát và thưởng thức chiếc bánh nướng nhân thập cẩm do chính tay mình làm ra trong dịp tết đoàn viên.
Gói gọn yêu thương trong từng chiếc bánh.
Nguyên liệu:
1. Vỏ bánh
Bột mỳ đa dụng: 300 gram
Nước đường bánh nướng: 250 ml
Dầu ăn: 30 ml
Lòng đỏ trứng gà: 01 quả
Bơ lạc: 15 gram
Baking soda: 1/2 thìa cafe
Rượu mai quế lộ: 1/2 thìa cafe
2. Nhân bánh
Mứt sen: 60 gram
Mứt bí: 100 gram
Vừng trắng: 100 gram (đã rang)
Hạt dưa nõn (đã rang, tách vỏ): 80 gram
Hạt bí nõn (đã rang, tách vỏ): 80 gram
Mỡ đường: 100 gram
Lạp xưởng: 100 gram
Lá chanh: 5 lá
Bột bánh dẻo (bột gạo nếp rang): 50 gram
Dầu mè: 20 ml
Rượu mai quế lộ: 20 ml
Nước: 100 ml
Đường: 100 gram
Gừng thái sợi: 20 gram
Xì dầu: 5 ml
Nguyên liệu nhân bánh nướng thập cẩm.
3. Hỗn hợp tạo màu vỏ bánh
Lòng đỏ trứng gà: 02 quả
Lòng trắng trứng gà: 1/2 quả
Nước màu dừa: 1/2 thìa cafe
Dầu mè: 2 thìa cafe
Trộn đều các nguyên liệu và lọc qua rây để được hỗn hợp mịn, không lợn cợn. (Bạn có thể dễ dàng tìm mua những nguyên liệu làm bánh nướng thập cẩm tại các shop chuyên bán nguyên liệu, dụng cụ làm bánh).
Thực hiện:
1. Chuẩn bị vỏ bánh
Trộn đều bột mì, baking soda với nhau.
Trộn nước đường, rượu mai quế lộ, lòng đỏ trứng gà, bơ lạc, dầu ăn thành hỗn hợp lỏng.
Cho hỗn hợp này vào thau bột trộn đều. Nhồi bột bằng lòng bàn tay đến khi bột dẻo, mịn không quá nhão hoặc không quá khô là được. Ủ bột khoảng 30 - 40 phút.
Không nên nhồi bột quá lâu tránh cho bột bị chai ảnh hưởng đến quá trình tạo hình bánh, hoa văn trên bánh không được sắc nét.
2. Chuẩn bị nhân bánh
Hòa nước với đường đun sôi cho gừng thái sợi vào. Đun thêm 2 - 3 phút nhắc xuống, để nguội.
Trộn lạp xưởng, mứt bí, mỡ đường, hạt bí xắt nhỏ cùng hạt dưa, vừng trắng, mứt sen với nhau. Cho hỗn hợp lên bếp xào qua cho nóng.
Trộn đều nước đường, dầu mè, xì dầu, gừng thái sợi với nhau, sau đó cho hỗn hợp này vào nồi nhân đảo đều đến khi các nguyên liệu quyện lại với nhau, hỗn hợp nhân không quá ướt cho lá chanh xắt sợi vào đảo thêm khoảng 1 - 2 phút là được.
Thêm bột bánh dẻo vào trộn đều để tạo độ kết dính, lượng bột chỉ nên cho vừa đủ, cho quá nhiều sẽ làm nhân bị khô và cứng. Chia đều thành các phần bằng nhau vừa với khuôn bánh và vo tròn.
Khối lượng của nhân bánh tùy thuộc vào kích thước của khuôn bánh.
3. Đóng bánh
Chia bột thành các phần bằng nhau theo trọng lượng khuôn, và theo tỷ lệ 1:2 với nhân. Sau đó viên tròn và cán mỏng.
Đặt viên nhân vào vỏ đã cán mỏng, bao kín nhân bằng vỏ bánh, nhẹ nhàng dính các mép bột vào với nhau. Cho viên bánh vào khuôn và đóng bánh.
Để bánh được sắc nét và không bị dính khuôn, quét lớp dầu vào khuôn bánh (thành khuôn và các rãnh bánh) trước khi cho bột vào khuôn.
4. Nướng bánh
Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 200°C trước 15 phút.
Nướng bánh lần 1 trong 15 phút ở nhiệt độ 200°C. Cho bánh ra ngoài để nguội rồi dùng chổi lông mềm quét nhanh và nhẹ 1 lớp mỏng hỗn hợp tạo màu vỏ bánh lên mặt bánh.
Nướng lần 2 trong 10 phút ở nhiệt độ 200°C rồi lặp lại quy trình như lần 1 cho lớp bề mặt của bánh lên màu đẹp hơn. Lặp đi lặp lại 3 lần là bánh chín vàng đều.
Bánh thành phẩm có màu vàng ươm, hương thơm của nhân quyện vào nhau.
Bánh mới nướng xong để ra giá cho nguội hoàn toàn rồi mới đóng gói kèm túi hút ẩm. Sau 2 ngày, đường xuống màu và dầu từ nhân thấm ra ngoài sẽ giúp vỏ bánh có màu nâu sẫm, bóng, mềm và có hương vị thơm ngon nhất, lúc này bạn có thể thưởng thức bánh.
Chỉ nên để thời gian bảo quản bánh từ 3 - 4 ngày nếu để ở ngoài, 7 ngày nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Tùy vào độ ngọt của vỏ và nhân mà thời gian bảo quản bánh sẽ khác nhau, độ ngọt càng cao thì thời gian bảo quản càng lâu.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, team chị em mê làm bánh hãy cùng nhau trổ tài làm bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống vô cùng đơn giản tại nhà thay lời yêu thương gửi đến người thân nhé!