Trong vô vàn món ngon nổi tiếng phải kể đến mì Quảng, cao lầu, hoành thánh bê thui Cầu Mống hay một số món đậm chất dân dã như cá chuồn kho mít non, bánh tráng đập…Tất cả hòa với nhau tạo nên đặc trưng của cả một mảnh đất hiền hòa xứ Quảng.
Mì Quảng
Món mì Quảng
Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Nếu là mì gà hoặc mì cá lóc, thì nguyên liệu phải được thái vừa phải, tách xương riêng để nấu nước dùng, ướp thịt và nấu như mì truyền thống.
Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ.
Mì Quảng là một món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất nơi đây khi du lịch Quảng Nam bạn sẽ thấy. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng có một điều đặc biệt là: có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé tới giờ chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn chưa có người Quảng nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.
Cao lầu
Song hành cùng hoành thánh, cao lầu xứng đáng là món ăn đem lại dư vị hoàn hảo cho thực khách khi đến thăm Hội An. Cao lầu không phải là món bún, cũng chẳng giống món phở. Dù có một vài nét tương đồng với mì Quảng, nhưng cao lầu lại được chế biến công phu hơn nhiều. Để sợi mì được vàng và ngon, người ta phải dùng loại tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo thì mới tạo được độ giòn, dẻo khô đặc trưng. Nước xay gạo phải là nước giếng Bá Lễ, một giếng nước rất nổi tiếng về độ không phèn, nước mát lạnh.
Cao lầu không cần nước lèo, nhưng ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước xíu (được chế biến từ thịt heo đùi). Miếng cao lầu khô được cắt thành hình vuông và chiên giòn. Vị giòn rụm của miếng cao lầu chiên khiến cho tô cao lầu trở nên vô cùng cuốn hút. Người ta thường ăn cao lầu với giá trần nước sôi, rau sống và ớt xanh.
Gà tre đèo Le
Muốn thưởng thức gà ngon đúng điệu phải tìm về với chân đèo Le ở vùng đất Quế Sơn. Các món được chế biến từ gà tre đèo Le rất đa dạng, từ nướng, hấp hành, rô ti đến luộc… nhưng thơm ngon và dậy vị nhất chính là món gà nướng.
Gà được chế biến để nguyên con, bên dưới là rau răm để trộn với thịt, bên trên là hành tím đập dập và lá chanh xắt nhỏ. Mới chỉ ngửi thôi đã ứa cả nước miếng rồi. Ăn gà đèo Le là phải ăn bằng tay mới ngon vậy nên ở đây người ta phục vụ món ăn theo phong cách “tự xử”. Thực khách sẽ tự cắt thịt rồi trộn với rau răm.
Gà đèo Le được nuôi thả tự nhiên chứ không nhốt trong chuồng nên thịt gà chắc, ngọt nhưng vẫn rất mềm. Thịt gà sau khi chế biến có thể nhai được cả xương, ăn kèm muối tiêu, ớt xiêm thơm mà cay đúng chất Quảng Nam. Đặc biệt, gà được chế biến bằng nước ngầm của suối nước Mát nên lại càng ngon ngọt hơn.
Chè tavak.
Món chè tavak được chế biến từ hạt quả tavak ở vùng cao Đông Giang. Chế biến chè tavak bằng cách tách hạt tavak ra, rửa sạch 3 lần với nước suối. Sau đó ngâm vào nước muối loãng 30 phút để sạch mùi, nhớt và rửa lại 2 lần để ráo. Tiếp theo cho hạt tavak vào nồi nước, nấu khoảng 30 phút cho hạt chín rồi cho đường cát, cơm dừa (hay gừng), 1 chén rượu tavak , một chút lá dứa vào để sôi liu riu khoảng 10-15 phút nữa cho ngấm gia vị là có thể tắt bếp, múc chè ra bát để thưởng thức. Món chè tavak có mùi thơm tao nhã, hạt tavak giòn sần sật, bùi bùi, béo béo rất thơm ngon, lạ miệng.
Bát chè tavak thơm ngon- đặc sản của vùng Đông Giang