Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 16km về phía Đông Bắc, ghềnh đá Thạch Ky Điếu Tẩu (thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh) là một trong 12 danh thắng nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi, mang vẻ đẹp độc đáo với nhiều điều kỳ thú. Nơi đây được ví như một tác phẩm sắp đặt nghệ thuật bằng đá, một tuyệt tác của thiên nhiên với những dấu tích về sự hoạt động của hệ thống núi lửa cùng quá trình biển tiến, biển thoái hàng triệu năm trước...
“Bước ra” từ truyền thuyết
Ghềnh đá Thạch Ky Điếu Tẩu nằm ở bờ Nam cửa biển Sa Kỳ, được tạo thành từ 2 quả núi chạy dài hai bên cửa biển. Quá trình núi lửa hoạt động, phun trào nham thạch rồi đổ ra biển từ hàng triệu năm trước đã tạo nên ghềnh đá thiên nhiên chặn ngang cửa biển này. Từ trên cao nhìn xuống, ghềnh đá nằm cách không xa thôn An Vĩnh trù phú và được ngăn cách với xóm làng bởi rừng dương xanh mướt. Khi nhìn trên bản đồ, khu vực này giống như chân người khổng lồ đang bước. Vị trí bàn chân chính là đoạn ghềnh đá có hình thù như 5 ngón chân nhô ra biển. Ghềnh Thạch Ky Điếu Tẩu gồm những khối đá xếp chồng lên nhau kéo dài hàng kilômét, quanh năm sóng biển vỗ về, bọt tung trắng xóa, nằm ẩn hiện dưới làn nước trong xanh như ngọc, tạo nên khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ hiếm có.
Đặc biệt, cách bờ khoảng 15 - 20m có một khối đá nhô lên giữa sóng nước tựa hình một ông lão đang ngồi câu cá. Gần đó là tảng đá in hình hai dấu chân khổng lồ. Bên cạnh có một hang đá hở hai đầu, ngang với mực nước triều. Mỗi lần sóng vỗ vào một đầu hang, nước lại bắn tung ở đầu kia, khiến người dân địa phương liên tưởng đến lò nấu rượu của người khổng lồ. Nhiều thế kỷ qua, họ vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về người khổng lồ từng gánh đá lấp cửa biển. Khi sắp xong, đòn gánh bị gãy - chính là lối vào cảng Sa Kỳ bây giờ. Chỗ đá đổ hai bên cửa nay là mũi đá An Hải và An Vĩnh. Trên đó còn in rõ dấu chân ông khổng lồ và lò nấu rượu của ông.
Lý giải cho cái tên Thạch Ky Điếu Tẩu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, theo từ điển Hán Việt, chữ “ky” trong cụm từ “Thạch Ky Điếu Tẩu” có nghĩa là ghềnh đá, tảng đá ngầm dưới nước, vừa mang nghĩa nước dội vào đá. Trong sách “Quảng Ngãi tỉnh chí” (xuất bản năm 1933) có chép: “Thạch Ky Điếu Tẩu: Ở về cửa Sa Kỳ có cái gành đá nhô ra mé bể, ở xa xem như hình người, nên đặt tên ấy”. Còn người dân Sơn Tịnh lâu nay vẫn quen gọi bằng cái tên giản dị: Lão câu ghềnh đá. Cho dù được gọi bằng tên nào, Thạch Ky Điếu Tẩu vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ đầy quyến rũ.
Chị Nguyễn Thu Hà, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Nghe những người đi trước kể về danh thắng này, tôi quyết tâm tìm đến để nhìn tận mắt. Những gì tôi được nghe không thể lột tả hết sự hấp dẫn của nơi này. Tôi bị choáng ngợp bởi khung cảnh nguyên sơ như chưa từng có tác động của con người. Đây thực sự là một tác phẩm sắp đặt nghệ thuật của tạo hóa”.
Nhiều trải nghiệm thú vị
Đến Thạch Ky Điếu Tẩu, du khách nên lựa chọn hai thời điểm đẹp nhất trong ngày để ngắm cảnh: Bình minh hoặc hoàng hôn. Vào hai thời điểm này, nhờ ánh sáng đặc biệt, khung cảnh Thạch Ky Điếu Tẩu càng trở nên huyền ảo hơn. Nếu may mắn đi vào mùa rêu, du khách sẽ được ngắm một Thạch Ky Điếu Tẩu với gam màu xanh tươi, căng tràn sức sống của những thảm rêu trên lớp đá đen thẫm, xù xì triệu năm tuổi. Không giống như ghềnh Đá Đĩa của Phú Yên với các phiến đá hình lục lăng được xếp đều tăm tắp, Thạch Ky Điếu Tẩu gồm những khối đá có hình thù, kích cỡ đa dạng, phản ánh rõ quá trình bào mòn của tự nhiên và hoạt động của hệ thống núi lửa trước đây. Đó cũng là nét đặc trưng của các ghềnh đá và biển ở Quảng Ngãi.
Không chỉ tận hưởng không khí trong lành, khung cảnh thanh bình, du khách còn có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị tại Thạch Ky Điếu Tẩu như: Cắm trại; bơi trong “hồ bơi mini” là những vũng nước sâu trên ghềnh đá; bắt nhum, câu cá, hái rau câu hay tìm hiểu cuộc sống của người dân thôn An Vĩnh. Du khách cũng có thể thưởng thức các loại hải sản đặc biệt như cua Huỳnh Đế, chình biển, cá đối, cá kè, cá hồng... được chế biến theo khẩu vị của người địa phương. Ngoài ra, du khách có thể khám phá các điểm du lịch lân cận như hải đăng Sa Kỳ, bãi biển Mỹ Khê, mỏm An Vĩnh, An Hải sa bàn hay rừng dừa nước Tịnh Kỳ.
Trong tương lai không xa, Thạch Ky Điếu Tẩu sẽ được đầu tư để phát triển thành khu du lịch có quy mô gần 20ha, với nhiều hạng mục như khu danh lam thắng cảnh, khu dịch vụ làng nghề du lịch, khu dịch vụ thương mại, khu vui chơi giải trí... Dự án này sẽ góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ngãi, đồng thời tăng tính kết nối tỉnh với các địa phương trong cả nước.