Du lịch nông thôn không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đa ngành, chương trình xây dựng nông thôn mới mà còn tạo thêm việc làm và thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, việc phát triển du lịch nông thôn vẫn còn nhiều “rào cản” cần tháo gỡ.
Lợi ích đã thấy rõ
Việt Nam là nước nông nghiệp với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn. Do đó, phát triển du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau góp phần thực hiện đồng thời 2 mục tiêu: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ, các hộ gia đình ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) làm đường, làm homestay, giữ gìn bản làng sạch, đẹp, đồng thời tích cực bảo tồn kiến trúc, văn hóa bản địa để thu hút du khách. Năm 2019, nơi đây đã đón gần 20.000 lượt khách và năm 2020, Sin Suối Hồ được vinh danh là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu cả nước.
Về phát triển du lịch nông thôn tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thành phố đã xây dựng được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, Trang trại Đồng Quê Ba Vì, làng chè Ba Trại (huyện Ba Vì); Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín); Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn)…
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, cả nước hiện có hơn 1.300 điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó khoảng 70% thuộc khu vực nông thôn, bao gồm các loại hình: Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã gắn với hoạt động du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hợp tác xã H'mông Cát Cát (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) sản xuất chế biến thảo dược gắn với du lịch cộng đồng; Hợp tác xã Hoa Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) sản xuất và chế biến quả dâu tây, bơ, dưa lưới, ổi… gắn với du lịch trải nghiệm, tham quan.
Thực tế cho thấy, xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn như nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; bảo đảm vệ sinh môi trường; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản - OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...
Cách nào để phát triển?
Tuy vậy, theo Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến, du lịch nông thôn vẫn còn những hạn chế. Việc phát triển điểm du lịch còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, đa phần mang tính tự phát nên chưa khai thác được các tiềm năng du lịch tại mỗi địa phương, chưa gắn kết giữa ngành Du lịch, ngành Nông nghiệp và các ngành khác. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng - nông dân vừa canh tác nông nghiệp, vừa làm du lịch.
Ở điểm nhìn khác, Tiến sĩ Ngô Kiều Anh, chủ Trang trại Đồng Quê Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) cho biết: Cơ quan chức năng chưa ban hành được bộ tiêu chí tiêu chuẩn để hướng dẫn các địa phương phát triển du lịch; do phát triển tự phát nên chưa tạo ra được thị trường ổn định cho nhóm sản phẩm du lịch nông thôn.
Để phát triển du lịch nông thôn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cần có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ về quản lý đất đai, hạ tầng; quản lý lưu trú; hỗ trợ, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn… Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ “3 sao” trở lên và 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Đồng thuận với những đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng: Cần tập trung vào thế mạnh riêng của mỗi địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc trưng; giữ gìn những giá trị truyền thống của các vùng nông thôn.
Đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thành phố sẽ nghiên cứu để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn. Gắn với xây dựng nông thôn mới, thành phố tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn tạo điều kiện để người dân, các trang trại, hợp tác xã, các địa phương khai thác lợi thế phát triển du lịch.