Việt Nam có nền nông nghiệp đang phát triển với hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Đây là khu vực chiếm vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời của các dân tộc, Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển du lịch nông nghiệp, qua đó mang lại sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, để tiềm năng du lịch nông nghiệp được “đánh thức”, cần có một “cú hích” đủ mạnh...
Khi nông dân làm du lịch
Dọc theo dải đất hình chữ S là 63 tỉnh, thành, nơi nào cũng sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nên thơ cùng những người nông dân chân tình, hiếu khách. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch, là lợi thế của Việt Nam.
Du khách đến Cần Thơ khó lòng bỏ qua trải nghiệm tham quan Cồn Sơn - một cù lao nhỏ giữa dòng sông Hậu, nơi chỉ có 79 hộ dân sinh sống. Tại đây, du khách sẽ được người dân hướng dẫn làm những món bánh truyền thống, thưởng thức trái cây ngay tại vườn hay xem cá lóc bay... Nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, Cồn Sơn từ một cù lao bị lãng quên, nổi tiếng “ba không” (không nước sạch, không điện, không đường) nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn.
Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xóm Cường, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) là một quần thể gồm 30 ngôi nhà sàn nguyên bản của đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ An toàn khu Định Hóa, được người dân phục dựng trong không gian hơn 70ha xanh tươi của cây cối và núi đồi. Nơi đây hiện có gần 200 dân bản sinh sống với nghề chính là làm du lịch. Họ đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển mô hình du lịch homestay, tự cung tự cấp thực phẩm. Ngoài việc mang đến những trải nghiệm văn hóa đặc sắc, dân bản còn khôi phục các bài thuốc cổ truyền của người Tày để gia tăng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách. Hiện nay, toàn bản có 280 chỗ nghỉ cùng nhà hàng có sức chứa 500 chỗ... Năm 2019, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã đón hơn 30.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Được biết đến với cái tên khá độc đáo, Ngôi nhà Hoa Ếch (phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) khiến nhiều du khách tò mò và không phải thất vọng với những trải nghiệm thú vị. Tại đây, du khách được cùng gia chủ trồng hoa, chăm ếch và thưởng thức ẩm thực dân dã... Được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng homestay, Hoa Ếch homestay có thể đón khoảng 40 khách lưu trú/đêm cùng nhà hàng có thể phục vụ 250 khách. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ nhân của Ngôi nhà Hoa Ếch vẫn nộp thuế 80 triệu đồng. Doanh thu từ du lịch của homestay này cao gấp 40 lần so với việc chỉ trồng hoa, nuôi ếch trước đây.
Du khách tham quan đồi chè tại bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: VEO
Cái “bắt tay” giữa hai ngành
Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lớn để khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên, các tập quán canh tác sản xuất cùng bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo ở các vùng miền để phát triển du lịch. Người Việt Nam nổi tiếng hiếu khách, lại chăm chỉ, sáng tạo, vì thế nhiều mô hình du lịch đã ra đời ngay trên chính mảnh đất quê hương, trong chính ngôi nhà, trang trại của họ.
Theo Thạc sĩ Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đang phát huy rất tốt thế mạnh của mình và đã bắt đầu hình thành các vùng làm du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp - nông thôn ở Việt Nam đã khởi đầu với các dịch vụ đơn giản, và đang tiến dần lên các sản phẩm trải nghiệm, nghỉ dưỡng cao cấp ở các vùng quê.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt nhìn nhận: “Hiệu quả của những mô hình du lịch nông nghiệp dựa vào mối quan hệ tam giác: Chính quyền - hộ dân - nhà tư vấn để thúc đẩy và hỗ trợ nhau phát triển”.
Nhiều năm qua, du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích kép, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế dịch vụ tại khu vực nông thôn, đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch tại nông thôn còn đem lại các giá trị tinh thần, vật chất và sự gắn kết cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nên chưa phát huy được thế mạnh. Có thể nhận thấy, hoạt động du lịch nông thôn tại các địa phương vẫn phát triển manh mún, tự phát; chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tính liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của đất nước nông nghiệp. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long hay các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn tình trạng sản phẩm đơn điệu, trùng lặp, thiếu tính sáng tạo.
Những nguyên nhân này có phần bắt nguồn từ việc, cho tới thời điểm này, chưa có chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn nên chưa có Bộ tiêu chí chuẩn hướng dẫn cho các địa phương. Bên cạnh đó, do phát triển tự phát nên chưa tạo ra được thị trường ổn định cho nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, trong đó có du lịch cộng đồng - theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chủ đầu tư trang trại Đồng Quê Ba Vì.
Khẳng định du lịch nông nghiệp đóng vai trò, vị trí quan trọng trong định hướng phát triển du lịch chung của cả nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, để du lịch nông nghiệp - nông thôn phát triển, hai ngành Du lịch và Nông nghiệp cần tập trung vào mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, du lịch nông thôn cần phát triển theo các định hướng: Phải đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Phát triển du lịch nông thôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác tính khác biệt, sáng tạo, có dấu ấn riêng về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương để tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường nhưng phải bảo tồn được các giá trị tự nhiên và văn hóa.
Du lịch nông thôn cũng đặc biệt cần nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì hình ảnh điểm đến và tạo động lực thu hút du khách trở lại một cách thường xuyên hơn, đồng thời mở rộng các dịch vụ du lịch mới như: Du lịch về đêm, sinh thái, phong cảnh, trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị văn hóa và sinh thái nông nghiệp đặc thù, làng nghề. Cùng với đó là chú trọng hướng tới tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, hoàn thiện sản phẩm hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao với các sản phẩm chất lượng như nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm, thể thao mạo hiểm.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm, chú trọng việc nâng cao năng lực cho người dân nông thôn trong việc phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng địa phương; hỗ trợ những chủ thể có vai trò “dẫn dắt”, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ, kỹ năng nghề du lịch mới trong cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở nông thôn...
Để đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, cái “bắt tay” giữa hai ngành Du lịch và Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Chỉ có như vậy, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam mới được “đánh thức” sau giấc ngủ dài.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Du lịch, ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500 - 1.000 lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch, trong đó lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5 - 15%, chủ yếu là lao động gián tiếp. Cả nước hiện có khoảng 400 điểm khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu.