Từ thành phố Quảng Ngãi xuôi về phía nam khoảng 60km, du khách có thể nghe tiếng sóng Sa Huỳnh thì thầm với triền cát vàng. Biển đại diện cho nét đẹp của Sa Huỳnh, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Sa Huỳnh còn “gửi tiết kiệm” thời gian trong một ngôi làng đá cổ, đó là làng Gò Cỏ...
“Vang tiếng cội nguồn xưa”
Người dân địa phương thường gọi làng Gò Cỏ là xóm Cỏ (thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Nhiều người kể, ngày xưa, trong làng cỏ mọc xanh tốt, có khi cao vượt đầu người, quan lại thường cho người về đây thu hoạch cỏ cho ngựa ăn. Vì vậy mới có tên làng như ngày nay.
Sa Huỳnh là nơi giao thoa của các nền văn hóa Đông Sơn, Chăm Pa và Sa Huỳnh. Tại đây hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa, trong đó rõ nét nhất là làng Gò Cỏ với 12 giếng đá cổ. Không ai biết chính xác những giếng nước ấy có tự bao giờ, các bậc cao niên trong làng cũng chỉ biết rằng, khi họ sinh ra, lớn lên đã thấy những giếng nước trong lành ấy.
Đến đây, ai cũng ngỡ ngàng vì vẻ đẹp lạ của làng. Đập vào mắt du khách là đá, nhìn đâu cũng thấy đá. Từ những con đường rêu phong, tường rào hay giếng nước đều được làm bằng đá nguyên khối. Có những phiến đá tảng ngàn năm nằm phơi mình giữa làng như “đá đơm bông”. Mọi vẻ đẹp, giá trị của làng Gò Cỏ đều phát xuất từ đá. Ghé quán nhỏ uống một trái dừa ngọt mát, hướng tầm nhìn ra biển, du khách sẽ thấy đá “ngồi” trầm ngâm bên thềm sóng như đang kể chuyện nghìn năm.
Ở Gò Cỏ, đá là nền móng của làng. Làng nằm cạnh biển, nhưng địa thế là đồi cao. Chính vì thế, mỗi mùa mưa lũ qua rất dễ sạt lở. Nhưng nhờ đá xếp chồng lên đá, lớp này nằm lên lớp kia nên làng không mất một tấc đất nào. Gò Cỏ cũng hội tụ đầy đủ núi non, làng mạc, biển khơi... Du khách chỉ cần đến đây là có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của biển Sa Huỳnh nổi tiếng.
Nhắc đến Gò Cỏ, nhà thơ Trần Cao Duyên từng viết: “Lòng đá phủ nghìn năm một nền văn hóa/ Giữa chiều sâu mấy tầng vang tiếng cội nguồn xưa...”. Chính vì những giá trị đó, người dân làng Gò Cỏ đã đồng lòng, dốc sức cùng nhau bảo tồn những phiến đá tưởng vô tri. Cũng nhờ đó, dấu vết thời gian đã được gửi lại nơi đây...
Du khách đi dạo bên bờ biển ở làng Gò Cỏ.
Làng du lịch nhiều “không”
Nằm giữa trùng vây hai ngọn núi, Gò Cỏ tách biệt với thế giới bên ngoài. Gò Cỏ là ngôi làng với nhiều cái không: Không quán nhậu, không internet, không karaoke, không rác thải... Trong khi nhiều địa phương khác bị “cơn lốc” đô thị hóa cuốn mất, Gò Cỏ cơ bản vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có, như một “ốc đảo” cố giấu mình trước những ồn ào, náo nhiệt ngoài kia.
Từ ngày “lọt vào mắt” Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, các homestay bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở làng Gò Cỏ. Du khách thích thú khi được ăn ở, hoạt động chung với người dân nơi đây, được những “hướng dẫn viên du lịch bình dân” kể tích này, chuyện nọ; được họ “truyền nghề” làm bún, đan lát, thả lưới và cả hát hố. Chị Lê Trần Mỹ Duyên (phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi) chia sẻ: “Làng Gò Cỏ để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ bởi nét hoang sơ, người dân cởi mở, thân thiện cùng nhiều trải nghiệm thú vị như: Ngắm hoàng hôn trên đầm An Khê, thả hồn theo những làn điệu dân ca Trung Trung Bộ và hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây… Chắc chắn, một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại Gò Cỏ cùng người thân của mình”.
Chia sẻ về cách thu hút các hộ gia đình trong làng cùng tham gia làm du lịch cộng đồng để tăng nguồn thu, cải thiện đời sống, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết: “Gò Cỏ là một điểm đến nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Người dân tại đây dù tham gia phát triển du lịch cộng đồng nhưng rất có ý thức bảo vệ làng cổ. Họ giữ gìn nếp nhà, các phong tục truyền thống và bảo vệ những con đường đá, giếng cổ của làng. Những homestay cũng được thiết kế và đặt tên dân dã, gắn bó với di sản của làng như: Giếng Cổ homestay, Bài Chòi homestay, Nhà Tranh homestay... Thời gian qua, chúng tôi luôn đồng hành cùng các hộ dân để phát triển mô hình du lịch không rác thải, đồng thời giữ gìn và bảo vệ sự nguyên sơ vốn có của ngôi làng”.
Có thể nói, chính sự hoang sơ, mộc mạc, bình dị đã tạo nên cho làng Gò Cỏ một nét riêng không lẫn với bất cứ ngôi làng nào khác. Vì thế, rất cần có sự chung tay gìn giữ từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và cả du khách, để Gò Cỏ mãi là “ngôi làng đá” trường tồn cùng thời gian...