Trong bối cảnh chỉ có thể ở nhà để chống dịch COVID-19 lây lan, công nghệ đã giúp những người thích đi du lịch thỏa mãn khát vọng khám phá thế giới. Còn với các công ty, đơn vị làm du lịch, chuyển đổi số giúp họ tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian. Chuyển đổi số cũng hỗ trợ đắc lực cho việc giới thiệu, quảng bá, chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành "công nghiệp không khói".
Du lịch ảo... như thật nhờ công nghệ số
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch): Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực du lịch và lữ hành từ thập kỷ trước. Việc đưa công nghệ vào du lịch đã trực tiếp giúp giảm chi phí, cải thiện dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm của khách hàng.
Trong đó, thực tế tăng cường (AR) hay thực tế ảo (VR) - một sản phẩm của công nghệ đã bước vào thế giới du lịch những năm qua và mang lại trải nghiệm mới cho du khách toàn cầu. Du lịch ảo (Vituar Tour) cho phép người dùng được trải nghiệm những hình ảnh chân thực, cảm giác sống động y như thật của điểm đến với những công cụ hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng…
Việt Nam cũng nhanh chóng tiếp nhận công nghệ vào phát triển du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch ảo để thu hút du khách, trong đó có thể kể đến tour khám khá Sơn Đoòng. Năm 2015, ở Sơn Đoòng đã thực hiện dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Đến khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng khắp toàn cầu, mọi người không thể đi du lịch thì Sơn Đoòng 360 độ đã trở thành tour du lịch thực tế ảo hấp dẫn nhất. Năm 2020, tờ báo The Guardian (Anh) đã đưa cảnh quan hùng vĩ của Sơn Đoòng vào top 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới.
Vào cuối năm 2020, lần đầu tiên tại Tây Bắc, một tour du lịch ảo đã được thực hiện. Các bộ ảnh và video 360 (VR 360) về điểm tham quan du lịch Mộc Châu, các cơ sở dịch vụ tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã cho du khách cái nhìn toàn cảnh, không bị giới hạn không gian. Người xem sẽ dễ dàng di chuyển khắp nơi, thậm chí nghe thấy âm thanh tiếng thác chảy, suối reo, chim kêu và tiếng của hướng dẫn viên thuyết minh...
Gần đây nhất, sau một thời gian thử nghiệm, cuối tháng 8/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).
Chỉ cần điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, click vào đường link https://3d.vnfam.vn/vi (bản tiếng Việt) hoặc https://3d.vnfam.vn/en (bản tiếng Anh), thực hiện theo chỉ dẫn là du khách ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe thuyết minh về các chủ đề trưng bày. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu cũng liên kết với trưng bày trực tuyến 3D tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra. Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu 2 bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, câu chuyện giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này. Việc tham quan trực tuyến này hoàn toàn miễn phí.
Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: Thật thú vị khi trải nghiệm công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bà ấn tượng với phần trưng bày về bình phong sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí. Sự ra đời của bức tranh, chủ đề, giá trị mỹ thuật, lịch sử và cả giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nghề sơn mài hiện đang phát triển ở Việt Nam, được tóm lược diễn giải một cách sinh động kết hợp với kỹ thuật quay và giọng đọc truyền cảm. Bà thích cách giới thiệu các hiện vật bảo tàng nói chung và các kiệt tác nghệ thuật nói riêng kiểu như thế này, người xem có thể giải trí và học hỏi nhiều điều bổ ích...
Ông Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Trưng bày ảo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giúp công chúng tận mắt nhìn thấy các bộ sưu tập hiện vật tranh, tượng đồ sộ và rất có giá trị của Việt Nam. Thông qua công nghệ, bảo tàng đã làm rất tốt nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và tạo cảm hứng về giá trị văn hóa - nghệ thuật của sưu tập hiện vật đến công chúng.
Chủ động chuyển đổi số để phát triển bền vững
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Khách du lịch nội địa 8 tháng đầu của năm đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 16,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong những tháng còn lại của năm 2021, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được giao. Bên cạnh việc xây dựng kịch bản để đón khách, phục hồi ngành du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát, các vấn đề như nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, hạ tầng..., Thứ trưởng cho rằng cần đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số theo hướng tăng cường hợp tác công - tư, đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh…
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng Tổng cục Du lịch vẫn chú ý thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, nhiều ứng dụng trên các nền tảng số đã được nghiên cứu, triển khai và đưa vào sử dụng để tăng trải nghiệm cho du khách, cải thiện môi trường du lịch. Tổng cục Du lịch đã chú trọng xây dựng các kênh YouTube, Zalo, Facebook để đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch Việt Nam với nội dung đa dạng, liên tục cập nhật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-91, Tổng cục Du lịch triển khai nhiều ứng dụng trên nền tảng di động, mang đến tiện ích, khả năng tương tác hơn cho người sử dụng; tiêu biểu nhất là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”…
Theo Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch: Tại các địa phương trọng điểm du lịch cũng phát triển các phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ du khách. Có thể kể đến một số trạm thông tin du lịch thông minh, phần mềm du lịch thông minh như “Vibrant Ho Chi Minh City”, phần mềm tiện ích “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map” ứng dụng “Danang FantastiCity”, hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “Go! Đà Nẵng,” “Da Nang Bus”, Chatbot Danang FantastiCity… Tại Hà Nội cũng đã có phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long cùng một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus… Thừa Thiên – Huế cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đối tác trong quảng bá du lịch bằng công nghệ số, trong đó Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích, từ 13 quốc gia được Google số hóa 3D…
Triển khai ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Có thể kể đến một số doanh nghiệp du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch như Vietravel, Saigontourist, Thiên Minh Group, Hanoitourist, Benthanhtourist… Sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch.
Gần đây nhất, Tập đoàn Thiên Minh cho ra mắt ứng dụng Plutos Agent - ứng dụng đặt vé máy bay, khách sạn trực tuyến cho khách hàng đại lý. Đây là sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái Plutos - sàn giao dịch du lịch trực tuyến trong và ngoài nước lớn nhất Việt Nam, ra mắt trong năm nay. Giải pháp này kỳ vọng nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, giúp khắc phục những yếu điểm hiện tại trong cách thức kết nối, vận hành giữa nhà cung cấp dịch vụ và các khách hàng đại lý.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm, nỗ lực cố gắng từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền địa phương. Bởi chuyển đổi số không chỉ là về mặt công nghệ, mà phải chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.
Có thể thấy, trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động tham gia, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững hơn.