Hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức ngày 6-10, kết nối với các cơ quan quản lý du lịch ở nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch và nhiều hội, hiệp hội liên quan...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ: Hoạt động du lịch gắn với tăng cường chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm trên toàn cầu. Nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cùng các loại dịch bệnh gia tăng khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, giải tỏa căng thẳng. Điều này khiến thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, cùng với đó là du lịch chăm sóc sức khỏe.
Nhiều chuyên gia đã dự báo trong thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Những chuyến đi dài ngày của du khách sẽ không chỉ là tham quan đơn thuần mà thay vào đó là du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe. Du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình phổ biến ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe do có nhiều điểm suối khoáng nóng, bùn khoáng trải dài cả nước, nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nhấn mạnh: Việc phát triển loại hình này sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch cho du khách trong và ngoài nước, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách.
Tiến sỹ Trương Quốc Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch thông tin cho biết: Du lịch chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện từ lâu, trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Có thể kể đến du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác như Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm – Tuyên Quang được tập đoàn Vinpearl đầu tư, khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh – Quảng Ninh, Thanh Thủy (Phú Thọ) được tập đoàn YoKo của Nhật Bản đầu tư khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản… Một số khu du lịch có cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, mát-xa như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V- resort (Hòa Bình), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn – Bình Châu (Vũng Tàu)…
Loại hình spa với quy trình trị liệu tổng hợp cả việc giáo dục chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, ăn uống, điều trị hiện mới xuất hiện ở Việt Nam. Spa nằm trong các khách sạn và resort đóng góp thị phần lớn nhất vào sự phát triển của toàn ngành.
Việc khai thác y học cổ truyền trong loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe cần được quan tâm hơn nữa. Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền đầu tiên là Chương trình du lịch châm cứu nâng cao sức khỏe và chữa bệnh của Giáo sư Nguyễn Tài Thu vào năm 2006...
Các công ty du lịch cũng bắt đầu đưa ra sản phẩm du lịch thiền – yoga ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng. Những tour này có huấn luyện viên hướng dẫn tập cho du khách.
Du lịch giảm cân cũng là một loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển, hướng đến đối tượng chính là khách châu Âu.
Nhìn chung, ở Việt Nam việc khai thác các tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã đạt được những thành công nhất định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, những thành công này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà chúng ta có. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn ít, chưa đa dạng; chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao.
Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, có cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch. Bên cạnh đó, mặc dù có hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng, song chúng ta vẫn chưa khai thác tốt để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.