Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu biến mất hoàn toàn đã buộc các quốc gia trên thế giới phải đi tìm lời giải cho bài toán “sống chung với đại dịch". Trong bối cảnh đó, du lịch - một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp và lâu dài nhất cũng phải tìm hướng để "thức dậy" sau thời gian dài “ngủ đông”. Và xu hướng du lịch an toàn được coi là "tấm thẻ thông hành" để du lịch hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới.
An toàn - “chìa khóa” để hoạt động trở lại
Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và lâu dài nhất. Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển rực rỡ với những con số tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong lịch sử của ngành vào năm 2019, thì từ năm 2020 đến nay đã liên tiếp sụt giảm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế (giảm 80% so với năm 2019); 56 triệu lượt khách nội địa (giảm 34,1%) và tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng (giảm 58,7%).
8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 5,5% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,2 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động du lịch gần như tê liệt hoàn toàn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận tải, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch bị phá sản. Hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong ngành Du lịch bị mất việc hoặc phải chuyển nghề để mưu sinh.
Với những diễn biến như vậy, việc mong chờ “zero Covid” (không Covid) là điều không thể. Hơn nữa, việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài. Vì vậy, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế là giải pháp tối ưu trong tình huống hiện nay. Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp trong thời gian “ngủ đông” vẫn nỗ lực tìm hiểu xu hướng, nghiên cứu thị trường, đưa ra sản phẩm phù hợp để khởi động trở lại ngay khi trạng thái bình thường mới được kích hoạt.
Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen và Công ty Lữ hành Hanoitourist là những đơn vị đi đầu trong việc đưa ra chương trình Du lịch bình thường mới, nhằm kết hợp 3 yếu tố: Du khách, điểm đến và dịch vụ an toàn. Theo đó, du khách an toàn là người đến từ vùng an toàn, đã được tiêm chủng hoặc có kết quả âm tính với Covid-19. Điểm đến an toàn là khu vực không nằm trong vùng dịch; là các điểm du lịch, dịch vụ được phép đón khách và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch. Dịch vụ an toàn là chuỗi dịch vụ an toàn được cung cấp từ khi tư vấn du lịch, khai báo y tế, di chuyển, quá trình du lịch cho tới kết thúc chuyến đi và du khách được theo dõi tình trạng sức khỏe sau chuyến đi 14 ngày.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) cho rằng, để du lịch được hoạt động trở lại, quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn cho du khách, nhân lực phục vụ, điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ vận chuyển... theo quy định của Bộ Y tế. Muốn vậy, bên cạnh việc phủ vắc xin rộng rãi kết hợp với xét nghiệm thường xuyên, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần xây dựng những bộ sản phẩm du lịch “xanh” bảo đảm các tiêu chí an toàn. Song song với đó là sự đồng hành của các địa phương để gỡ bỏ những rào cản về di chuyển, ưu tiên cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được triển khai các tour khép kín nhằm phục vụ du khách một cách thuận tiện, an toàn.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong điều kiện hiện nay, khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn trước, cộng với tâm lý e ngại dịch bệnh, nhiều người có thể chưa sẵn sàng đi du lịch. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour Hà Nội cho rằng, cần phải định vị tâm lý để du khách yên tâm đi du lịch trở lại thông qua việc truyền thông điểm đến an toàn, tour an toàn...
Đẩy nhanh sự hồi phục
Để du lịch khởi sắc trở lại trong bối cảnh bình thường mới, không thể thiếu sự đồng hành của Chính phủ cùng các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương. Theo nhiều doanh nghiệp, trước mắt, cần khôi phục lại hoạt động du lịch nội địa tại các điểm đến, các địa phương an toàn. Ngày 28-9-2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã triển khai “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19” nhằm góp phần đẩy nhanh sự hồi phục của ngành Du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: “Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới: Du lịch an toàn, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh sống chung với Covid-19”. Theo đó, chương trình đề ra những quy chế, tiêu chí an toàn cụ thể đối với khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và doanh nghiệp phục vụ du lịch...
Cùng với đó, chương trình cũng đề cập đến vai trò của hiệp hội du lịch các địa phương trong việc thống nhất với cơ quan quản lý du lịch ở địa phương về các tiêu chí du lịch an toàn, cụ thể hóa các tiêu chí để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện; Công bố các điểm tham quan, các cơ sở dịch vụ du lịch đủ điều kiện an toàn đón khách du lịch; Xây dựng đường dây nóng, tổ chức Bộ phận khôi phục hoạt động du lịch và xây dựng quy trình xử lý một số tình huống cần thiết khi có người lao động tham gia phục vụ khách hoặc khách du lịch phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, đầu tháng 9-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Tổng cục Du lịch hiện cũng đang tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đưa thông tin đến với du khách, từ đó khuyến khích du khách đi du lịch trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Trong đó, việc truyền thông, quảng bá du lịch trên mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến được chú trọng, thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch...; xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn, tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch quảng bá dịch vụ, kết nối và cập nhật thông tin phục vụ du khách.
Một tin vui nữa cho những người làm du lịch là cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia về “hộ chiếu vắc xin”. Đây là động thái tích cực và là “đòn bẩy” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động du lịch sớm vượt qua cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội:
“Sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa khách du lịch, công ty lữ hành và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan nhằm đảm bảo quá trình du lịch được giám sát và thực hiện an toàn phòng chống dịch là “chìa khóa” cho chương trình Du lịch bình thường mới, trong đó công ty lữ hành là đơn vị tiên phong và nòng cốt”.