Chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi du lịch Hà Nội sau ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, không ít đơn vị điểm đến, lữ hành của Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Điều này không chỉ tạo dựng niềm tin cho du khách về du lịch an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, mà còn mang đến không khí lạc quan về việc sớm phục hồi cho du lịch Thủ đô.
Ấn tượng sản phẩm mới
Ngay sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội, từ giữa tháng 10-2021, nhiều sản phẩm du lịch “độc” và “lạ” đã được giới thiệu tới du khách, cho thấy sự khởi sắc của du lịch Thủ đô. Bên cạnh sản phẩm đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” do Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện, nhiều sản phẩm thử nghiệm ra mắt trong giai đoạn này cũng mang đến “làn gió mới” cho du lịch Hà Nội. Điển hình là sản phẩm trải nghiệm phố cổ bằng xe điện do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội; Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức khảo sát, dự định sẽ hoàn thiện sản phẩm vào cuối năm nay.
Mới đây nhất, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ra mắt một loạt sản phẩm thử nghiệm từ ứng dụng công nghệ số, trong đó, ấn tượng nhất là màn trình chiếu ánh sáng 3D kết hợp âm nhạc diễn ra vào buổi tối. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, trong thời gian tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, trung tâm đã xây dựng đề án phát triển du lịch thông minh, với điểm nhấn là hoạt động trình chiếu ánh sáng, nhằm hình thành sản phẩm trải nghiệm về đêm, tăng sức hấp dẫn cho du khách. “Hiện tại, đề án đang chờ thành phố phê duyệt, trong thời gian đó, chúng tôi vẫn xây dựng nội dung cho sản phẩm mới, đặc biệt chú trọng đến các ứng dụng công nghệ”, ông Lê Xuân Kiêu nói.
Đóng góp cho việc phục hồi du lịch Thủ đô, nhiều tháng nay, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) đã thực hiện các chuyến khảo sát để xây dựng sản phẩm khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour” và sẽ chính thức ra mắt vào ngày 20-11 tới. Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa - đơn vị chủ trì xây dựng sản phẩm này cho hay, du lịch kết hợp thể thao và khám phá ngoài trời được du khách nước ngoài ưa chuộng và đang trở thành xu hướng tại Việt Nam. “Du lịch bằng xe đạp sẽ giúp du khách vừa vận động nâng cao sức khỏe, vừa khám phá đường phố và vẻ đẹp di sản Thủ đô. Sản phẩm này không chỉ cho khách nội địa, mà còn hướng đến khách quốc tế”, ông Phạm Duy Nghĩa chia sẻ.
Du lịch “không chạm”
Hoạt động du lịch trong trạng thái "bình thường mới" đã đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, là phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng, việc xây dựng sản phẩm du lịch “bình thường mới” cần tính toán kỹ đến yếu tố an toàn, giãn cách. “Hiện vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng. Vì thế, hoạt động du lịch cần diễn ra thận trọng, bảo đảm an toàn. Việc giữ khoảng cách giữa các đoàn khách, kết nối các dịch vụ khép kín là rất cần thiết”, ông Trương Quốc Hùng nói.
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, xu hướng du lịch sau dịch Covid-19 sẽ thay đổi, chủ yếu theo nhóm nhỏ, biệt lập. Vì thế, ngoài việc hình thành cách thức di chuyển mới cho du khách, các đơn vị nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giúp du khách có thể trải nghiệm từ xa. Các điểm đến nên sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, dịch vụ trực tuyến để phục vụ du khách theo hình thức “không chạm”, mà vẫn giữ được cảm xúc trải nghiệm trọn vẹn cho khách.
Đánh giá về các sản phẩm du lịch mới của Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho rằng, du lịch Hà Nội đang cho thấy sự thích ứng an toàn và linh hoạt. “Nhiều sản phẩm mới được hình thành, trong đó có không ít sản phẩm được làm mới trên nền tảng cũ, tạo bất ngờ cho du khách. Để các sản phẩm này thu hút không chỉ người dân Hà Nội, mà còn cả du khách đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác, tiến tới là khách quốc tế, Hà Nội cần đẩy mạnh khâu quảng bá trên các nền tảng trực tuyến”, bà Cao Thị Ngọc Lan bày tỏ.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị đã xây dựng xong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, Sở đang chuẩn bị đề án tổ chức một số hoạt động để kích cầu du lịch và sẽ tùy vào diễn biến dịch để thực hiện. “Sở Du lịch Hà Nội khuyến khích các đơn vị phát huy sáng tạo trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù của Hà Nội, song phải bảo đảm các nguyên tắc trong phòng, chống dịch Covid-19”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.