Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu trên toàn quốc.
Cần cơ chế chính sách phục hồi
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên để tồn tại, doanh nghiệp du lịch phải thích ứng, làm quen với khái niệm “bình thường mới” thì mới có thể phục hồi và phát triển. Ngành Du lịch cần thay đổi từ khâu xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp.
Chú thích ảnh Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Năm 2020, với 2 đợt bùng phát của đại dịch COVID-19, cả nước chỉ đón được 3,8 triệu lượt khách quốc tế (khách quốc tế chỉ có trong 3 tháng đầu năm), giảm 80% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, toàn ngành thiệt hại khoảng 530 nghìn tỷ đồng.
Tác động của đại dịch rất nghiêm trọng tới toàn bộ hệ thống du lịch: Các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch... và đặc biệt là đội ngũ lao động du lịch, cả trực tiếp và gián tiếp. Theo báo cáo của các địa phương, khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải đóng cửa; 1/3 hoạt động cầm chừng.
Doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%. Đối với lĩnh vực lữ hành, các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí công việc cho 30% lao động, số còn lại cho nghỉ không lương hoặc giảm 80% lương. Năm 2020, có 338/2519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa; tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 312.000 tỉ đồng, giảm 58.7% so với năm 2019.
Năm 2021, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu do tác động của đại dịch. Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm 2021 đạt 32,3 triệu lượt (chỉ bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, khách lưu trú chỉ đạt 16,2 triệu lượt (bằng 44% so với năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 138.150 tỷ đồng.
“Để phục hồi du lịch, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch. Kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023”, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Mạnh Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết, 245 hội viên đang sở hữu 505 tàu du lịch với khoảng 5.000 lao động, nhưng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch, các doanh nghiệp gần như cạn kiệt. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ gần như tiếp cận rất khó khăn vì thủ tục hành chính. “Đơn cử như vay vốn để trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất thì có yêu cầu có bảng quyết toán thuế nhưng trên thực tế không cơ quan thuế nào làm quyết toán đầu năm nên gần như hầu hết chủ tầu không ai làm được thủ tục này”, ông Đào Mạnh Lương cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings kiến nghị, với việc đón khách quốc tế, ngoài thí điểm đón ở một số thị trường, Tổng cục Du lịch cần hướng tới việc liên kết với các nước trong khu vực để hình thành hành lang “du lịch bong bóng” trong khu vực ASEAN, từ đó tạo nguồn khách quốc tế phong phú và an toàn.
Với các hoạt động du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng kiến nghị việc áp dụng chính sách phát triển du lịch, thu hút khách cần thống nhất trong cả nước. Hiện nay vẫn có tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu khiến rất khó cho doanh nghiệp du lịch tổ chức đoàn khách du lịch liên vùng, liên tuyến.
Thích ứng linh hoạt
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa thí điểm đón khách quốc tế từ giữa tháng 11/2021, đến nay, 3/5 địa phương được phép đón khách quốc tế đã triển khai đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 19 tháng “vắng bóng”. Đến cuối tháng 11, Việt Nam đã đón khoảng 978 khách quốc tế. Tháng 12/2021, Việt Nam sẽ tiếp tục đón một đoàn khách Thái Lan, đó là kết quả của hoạt động liên kết du lịch với các quốc gia bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại diễn đàn về định hướng phục hồi du lịch trong thời gian tới. Ảnh: LH
Về hoạt động hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Đến ngày 24/11, cả nước đã có 13.829 hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ với số tiền trên 51 tỷ đồng. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ về tiền điện với cơ sở lưu trú, chính sách giảm thuế, vay vốn ngân hàng. Hiện, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang họp bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tham mưu trình Chính phủ trong tháng 12.
Cùng với cơ chế chính sách, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cũng thống nhất việc cần xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với diễn biến dịch, trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch COVID-19”.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, việc xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho khách... Cùng với đó, doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu tổ chức theo từng nhóm nhỏ để tạo ra những sản phẩm chuyên biệt.
Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhấn mạnh mô hình liên kết, cạnh tranh giữa các đơn vị để chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch. Ở khu vực miền Trung hiện nay đã xây dựng sản phẩm chung giữa Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam, hình thành nên con đường di sản, sản phẩm du lịch biển… tăng sức hấp dẫn cho du khách.
Tại diễn đàn, bên cạnh việc đề xuất thêm cơ chế phù hợp, các hướng đi xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, làm mới sản phẩm cũ, các doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp phục hồi khác như liên kết, ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh chuyển đổi số trong marketing; phát triển thêm sản phẩm du lịch tiềm năng đó là: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch Golf, du lịch ẩm thực…