Sau khi chiến thắng giặc Minh và giành lại nền độc lập cho đất nước, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã lên ngôi vua ở Đông Đô (tức Thăng Long) năm 1428, sáng lập ra triều đại mới là Hậu Lê. Để tưởng nhớ quê hương tiên tổ, cũng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi đã cho xây dựng Sơn Lăng ở vùng đất thiêng Lam Sơn, mà sau này là Lam Kinh.
Từ Lam Sơn đến Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc. Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962.
Các sách sử không nhắc nhiều về quá trình hình thành, xây dựng Lam Kinh, nhưng những ghi chép cho thấy nơi đây được hình thành và xây dựng từ rất sớm. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “Tháng 11, vua ngự về Tây Đô (tức Lam Kinh) bái yết Sơn Lăng...”. Lam Sơn lần đầu tiên được gọi là Tây Đô: “Tháng 6-1430, đổi Đông Đô làm Đông Kinh, Tây Đô làm Tây Kinh...”.
Một số sách khác như "Đại Nam nhất thống chí" và "Việt sử Thông giám cương mục" cũng ghi chép về Lam Kinh. Theo đó, đây là vùng đất rộng lớn, bao gồm Lam Sơn - căn cứ của cuộc khởi nghĩa và Lam Kinh - quê hương của vua. Trong 6 năm ở ngôi, vua Lê Thái Tổ 2 lần về thăm lăng mộ của tổ tiên tại Sơn Lăng.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 200ha, bao gồm lăng mộ, đền miếu và hệ thống thành điện, hành cung của các vị vua nhà Hậu Lê. Lam Kinh được xây dựng chịu ảnh hưởng của thuyết phong thủy, với bố cục tổng thể nương vào điều kiện địa lý và tận dụng các ưu thế do thiên nhiên tạo ra.
Lam Kinh gồm nhiều hạng mục. Qua thời gian, hầu hết các công trình đều bị phá hủy hoặc hư hại. Năm 1995, công cuộc trùng tu Lam Kinh quy mô nhất được tiến hành, kéo dài cho đến những năm gần đây. Căn cứ vào sử liệu và khảo cổ học ở thực địa, các hạng mục kiến trúc của Lam Kinh dần được sáng tỏ và từng bước được phục dựng, cho thấy những nét chính của một quần thể kiến trúc huy hoàng trong lịch sử.
Khu thành điện Lam Kinh có hình chữ nhật, kích thước 341 x 254m, tường thành dày 1m, cổng chính quay về hướng nam. Qua cổng thành có sông Ngọc bao quanh khu miếu điện. Các hạng mục kiến trúc được bố trí theo một trục ở chính giữa, gồm: Bạch Kiều (cầu Sông Ngọc), nghi môn, sân rồng. Từ sân rồng đi qua thềm rồng 9 bậc bằng đá tới nền điện. Các điện Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh có bố cục hình chữ “công”, gồm 22 gian liên hoàn với tổng diện tích khoảng 1.650m2.
Phía sau điện Lam Kinh là Cửu Miếu, gồm 9 tòa, có bố cục hình cánh cung ôm ra phía trước. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu cùng một số người trong gia tộc. Sau khu vực này là tường hậu. Thành nội có công năng thờ cúng và là nơi diễn ra các lễ nghi khi vua từ Đông Đô về. Phía ngoài thành nội là khu thành ngoại, gồm các công trình của bộ máy trông coi miếu điện.
Điểm du lịch hấp dẫn
Cùng với Thành nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa được nhiều du khách lựa chọn. Anh Nguyễn Lê Hà, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi biết di sản Lam Kinh từ rất lâu nhưng bây giờ mới có dịp tới thăm. Đây là một quần thể kiến trúc rất đẹp bởi có sự hài hòa với thiên nhiên, cho du khách cảm giác thư thái, yên bình”.
Hằng năm, vào dịp Lễ hội Lam Kinh (ngày 21-22 tháng Tám âm lịch), nơi đây thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh tới hành hương, chiêm bái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách tham quan năm 2021 giảm khá nhiều so với những năm trước.
Để thu hút khách và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, thời gian qua, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã đưa vào vận hành phần mềm thuyết minh tự động để du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin di tích; song song với đó là lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, triển khai tuyên truyền, quảng bá và thường xuyên cập nhật thông tin mới trên trang thông tin điện tử, trung bình mỗi tháng thu hút 8.000 - 10.000 lượt truy cập.
Theo ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, đơn vị luôn chú trọng đến việc bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh trong di tích như nhắc nhở cán bộ, người lao động luôn chấp hành Quy định 5K của Bộ Y tế, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn và phát khẩu trang cho du khách; bảo vệ rừng, chăm sóc, chỉnh trang cảnh quan tại các khu lăng mộ, các điểm di tích đồng thời tập trung chỉnh lý hiện vật kho, hiện vật trưng bày phục vụ nhu cầu của các đối tượng khách tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích.