Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Độ phủ trên diện rộng của vắc-xin ngừa Covid-19 cùng với kinh nghiệm ứng phó đại dịch và những giải thưởng du lịch quốc tế uy tín thời gian qua… là những yếu tố tạo nên “cơ hội vàng” để Việt Nam nhanh chóng thống nhất thời điểm, lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.
Tại Hội thảo toàn quốc “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 24/1, Bộ đề xuất lộ trình mở cửa du lịch quốc tế theo hai giai đoạn: từ nay đến ngày 30/4, Việt Nam tiếp tục Chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2; và từ ngày 1/5 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế với cả thị trường inbound (đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) và outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài) qua tất cả cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Mở cửa du lịch quốc tế càng sớm càng tốt...
Tuy nhiên, tại hội thảo, theo nhiều chuyên gia, việc mở cửa du lịch quốc tế không cần chờ đến thời điểm trên mà nên thực hiện càng sớm càng tốt bởi so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã chậm mở cửa đón khách quốc tế, trong khi tốc độ triển khai tiêm vắc-xin đạt tốp 6 thế giới. Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV-thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng: Thật vô lý nếu chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp giãn cách cần thiết. Việc mở cửa đón khách quốc tế không ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, không mở cửa là đi ngược lại chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Chính phủ, gây ảnh hưởng đến việc làm của hơn 2,5 triệu lao động du lịch và nhiều ngành kinh tế khác, nhất là sau nhiều đợt dịch, các doanh nghiệp đã quá ngưỡng chịu đựng. “Vì thế, nếu không mở cửa bây giờ, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội ngàn năm”- ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Trịnh Hồng Quang cũng nhận định, cần tuyên bố đón khách quốc tế ngay từ đầu tháng 2 tới. Việc đẩy sớm thời điểm mở cửa quốc tế sẽ giúp các địa phương, doanh nghiệp tăng tốc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách. Đứng ở góc độ dịch tễ học, TS, BS Nguyễn Thu Anh nêu quan điểm: Khi biến thể Omicron xuất hiện, các ca bệnh sẽ tăng nhanh nhưng triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong thấp hơn. Việt Nam không nên quá lo lắng khi đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, năng lực điều trị tốt. Không có lý do gì để phải đóng cửa du lịch quốc tế, nếu đóng để chờ được vắc-xin chống Omicron thì có lẽ tới lúc đó cũng “xóa sổ” luôn ngành du lịch. Chủ trương của Việt Nam là thích ứng an toàn, vì thế ngành du lịch có thể mở cửa sớm hơn thời điểm 1/5 và mở luôn, không cần thí điểm.
Đại diện nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng nên đẩy sớm thời điểm mở cửa du lịch quốc tế, song đẩy sớm không có nghĩa là làm vội, làm ẩu mà cần có sự chuẩn bị nghiêm túc, cẩn trọng để bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
... nhưng phải an toàn, khoa học, hiệu quả
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Vũ Thế Bình nhận định: Việc sớm mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế là chủ trương cần thiết và kịp thời bởi vực dậy du lịch sẽ tạo động lực khôi phục các ngành liên quan. Nhưng mở cửa rồi có thu hút được nhiều khách quốc tế hay không, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Theo ông Bình, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông trên các kênh marketing số, cần có chiến dịch xúc tiến, quảng bá trực tiếp tại các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, biện pháp quan trọng là phải có chính sách thị thực thông thoáng. “Thời gian trước, chúng ta miễn thị thực đơn phương, song phương cho công dân ở nhiều quốc gia, họ nghĩ chúng ta tôn trọng, chào mừng họ, giờ lại dừng sẽ gây tác động đến tâm lý du khách”- ông Vũ Thế Bình chia sẻ. Đồng quan điểm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại các thị trường khách trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn với du khách quốc tế. Vì thế, cần khôi phục lại các chính sách miễn visa như đã áp dụng trước năm 2020 và có thể xem xét bổ sung thêm một số thị trường tiềm năng khác.
Thực tế từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế thời gian qua cho thấy, quy định du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói tại điểm được chỉ định trong thời gian tối thiểu 7 ngày đã gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày, nhất là với thị trường các nước Đông Âu. Nhiều chuyên gia cho rằng cần thay đổi điều này khi mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. TS, BS Nguyễn Thu Anh nhận định: Khi khách quốc tế đã có hộ chiếu vắc-xin, thực hiện xét nghiệm đầy đủ theo quy định và đã mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 thì họ cần được ứng xử bình đẳng như những du khách nội địa. Điều quan trọng là cần xây dựng quy trình xử lý thống nhất khi có khách trở thành F0 và thông báo trước để khách yên tâm khi tới du lịch Việt Nam. Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, Bùi Quốc Thái kiến nghị: Cần gia tăng tần suất kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam. Kiên Giang mong muốn được chủ động lựa chọn các đơn vị lữ hành quốc tế đón khách để giảm bớt thủ tục với doanh nghiệp và thuận tiện hơn trong quá trình quản lý.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất cần điều chỉnh một số quy định hướng dẫn đón khách quốc tế sao cho khoa học, hợp lý hơn. Đại diện Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Điều kiện du khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh là không phù hợp tình hình hiện nay, bởi một số thị trường khách quốc tế cách xa Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Canada… bay đến Việt Nam đã mất hơn 24 giờ chưa bao gồm thời gian quá cảnh hay hoãn chuyến, quy định này nên thay đổi thành 72 giờ trước khi lên máy bay tới Việt Nam. Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phản ánh: Hiện nay, ngoài chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, trước và sau khi xuống máy bay du khách phải thực hiện thêm test nhanh Covid-19. Do đó, mới có một số chuyến bay thường lệ được nối lại nhưng đã gây tình trạng ùn tắc ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thời gian tới, nếu mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế mà vẫn tiếp tục test tại sân bay sẽ tạo ra rào cản kỹ thuật và khiến du khách không thoải mái vì phải tập trung, chờ đợi. Nếu vẫn giữ quy định này, thay vì xét nghiệm ở sân bay nên chuyển sang xét nghiệm khi hành khách đã di chuyển tới nơi lưu trú. Ngoài ra, để thu hút khách quốc tế hiệu quả, cũng cần có thêm những quy định về đón khách quốc tế qua đường bộ và đường biển; đồng thời tăng cường đàm phán để gia tăng số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận “hộ chiếu vắc-xin” của Việt Nam, phục vụ việc đưa khách đi du lịch nước ngoài…