Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào sáng 11/3 được các cơ quan quản lý, chuyên gia du lịch chia sẻ thông tin về công tác chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3. Đây là điều kiện để du lịch sớm tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Mở cửa linh hoạt, an toàn
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, ở góc độ kinh doanh, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu.
Hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ thời điểm mở cửa từ 15/3 để hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5 - 6 triệu khách quốc tế”, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI đánh giá.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong lịch sử hơn 60 năm, ngành du lịch đã trải qua các đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.
Lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.
Đến nay, sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.
Còn trong nước, triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’, ngành du lịch đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán".
Tận dụng thời cơ
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.
Việc trao đổi diễn đàn còn thực hiện qua hình thức trực tuyến.
“Về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19. Còn về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine, hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Đây là thời điểm thích hợp để mở cửa du lịch bởi chiến lược phòng chống dịch Việt Nam đã thay đổi theo hướng thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Biến chủng Delta và Omicron lây nhiễm nhanh nên xác định sẽ lây nhưng áp dụng các biện pháp phòng dịch nhằm hạn chế tốc độ lây lan để không quá tải trong hệ thống y tế. Do đó, khi mở cửa an toàn vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: An toàn trong du lịch phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình mở cửa lại hoàn toàn du lịch. Đề xuất mới đây của Bộ Y tế với khách nhập cảnh đã thông thoáng hơn đề xuất trước đó, trong đó khách nhập cảnh thậm chí không cần chứng nhận tiêm vaccine. Khách phải có xét nghiệm âm tính bằng PCR 72 tiếng hoặc test nhanh 24 tiếng khi xuất cảnh.
“Quy định không có chứng nhận tiêm vaccine với khách nhập cảnh thời điểm này lại thông thoáng quá bởi dịch vẫn diễn biến phức tạp. Việc tổ chức tour sau đó lại là cả vấn đề liên quan đến sức khỏe của khách nên vẫn cần có chứng nhận tiêm vaccine”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã có góp ý nhiều về việc đào tạo lại nhân lực du lịch, tạo dựng sản phẩm, xúc tiến, marketing… Các diễn ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia sẽ là cơ sở để cơ quan chuyên môn thuộc ngành du lịch điều chỉnh chính sách trong quá trình mở cửa lại du lịch từ 15/3.