Nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, là nơi hội tụ nhiều lễ hội, nét văn hóa dân gian được hình thành từ sự giao thoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc, trong đó có đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, du lịch Sóc Trăng ngày càng có nhiều điểm đến nổi bật được đông đảo du khách biết đến.
Phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc trong từng sản phẩm, du lịch Sóc Trăng đang đề ra nhiều giải pháp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, góp phần tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác ở địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Điểm đến đậm nét văn hóa
Đề cập về du lịch Sóc Trăng với những sản phẩm đặc sắc, đậm nét văn hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, hiện nay, ngoài 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh, Sóc Trăng còn có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và quốc gia.
Đó là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (cùng với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ), lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề, nghề thủ công truyền thống làm bánh pía của người Hoa ở huyện Châu Thành, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, múa Rô băm, múa Rom vong, nghệ thuật Dù Kê, lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này là tài sản quý, đồng thời là những sản phẩm du lịch tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Sóc Trăng.
Du khách đến Sóc Trăng sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ kính, tham gia các lễ hội vui tươi, rực rỡ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, đắm mình trong không gian của những bản đờn ca tài tử, thưởng thức những đặc sản ẩm thực như bánh pía, bún nước lèo, bánh ống…
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Trần Minh Lý, trong những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng ngày càng có thêm nhiều điểm đến, các tour, tuyến được kết nối đa dạng, mở rộng không gian du lịch trong và ngoài tỉnh. Những ngôi chùa cổ như chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét)… luôn là điểm đến được các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình tour giới thiệu đến du khách.
Bên cạnh đó, các điểm đến gắn liền với văn hóa sông nước như cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung tại xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam, chợ nổi Ngã Năm… cũng là những điểm đến thu hút du khách.
Các hành trình tour mang tính kết nối như Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ - Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - Côn Đảo hay Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau với các điểm đến giàu bản sắc văn hóa của vùng đất, con người, đa dạng không gian trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long đều đã trở thành những sản phẩm du lịch nổi bật của du lịch Sóc Trăng, kết nối với các địa phương trong và ngoài vùng.
Ông Thái Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm bánh pía, lạp xưởng Tân Huê Viên - điểm du lịch Tân Huê Viên ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, trong những năm gần đây, điểm du lịch này với điểm nhấn là không gian văn hóa đặc sắc, khu sản xuất bánh pía, lạp xưởng ngày càng được nhiều du khách đến tham quan và mua sắm đặc sản.
Nghề làm bánh pía của đồng bào dân tộc Hoa ở Sóc Trăng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khiến mỗi nhân viên tại điểm du lịch tăng thêm niềm tự hào, ý thức gìn giữ, phát huy giá trị của nghề, góp phần làm phong phú thêm những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên quê hương Sóc Trăng để giới thiệu đến du khách.
Phát triển nhiều sản phẩm du lịch chủ lực
Với nhiều điểm đến nổi bật, trong những năm qua, du lịch Sóc Trăng đã được nhiều du khách lựa chọn đến tham quan, trải nghiệm. Theo ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng, thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trung bình mỗi năm du lịch Sóc Trăng đón khoảng trên 2 triệu du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nguồn lực và tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức, còn nhiều tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên, vật thể và phi vật thể chưa được đầu tư, chọn lọc đưa vào phục vụ hoạt động du lịch, du khách đến Sóc Trăng thời gian lưu trú còn ngắn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng đề xuất, ngoài việc nâng cao chất lượng các sản phầm du lịch mới của tỉnh như du lịch cộng đồng vùng cồn, cù lao, vùng sông nước, triển khai phố đi bộ dọc theo hai bên bờ sông Maspero tại trung tâm thành phố Sóc Trăng, cần có thêm những dự án bổ sung, tạo quang cảnh hấp dẫn hơn để du khách nghỉ đêm tại thành phố Sóc Trăng, tăng thời gian lưu trú và trải nghiệm. Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch ở các địa phương như thị xã Vĩnh Châu, các huyện Châu Thành, Long Phú..., ở huyện Cù Lao Dung có thể nghiên cứu dự án tiền khả thi kết hợp du lịch và dân sinh, góp phần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách đến các điểm tham quan, trải nghiệm.
Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Sóc Trăng đề ra mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ, tỉnh định hướng phát triển nhiều sản phẩm du lịch chủ lực như du lịch văn hóa tâm linh tại thành phố Sóc Trăng, du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực thành phố Sóc Trăng, du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên ở huyện Châu Thành, du lịch sinh thái biển Mỏ Ó thuộc huyện Trần Đề, du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách, du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung, du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu, điểm du lịch Tân Huê Viên ở Châu Thành, du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại huyện Mỹ Tú và du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng phát triển các sản phẩm du lịch bổ sung như du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm ở huyện Kế Sách, du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom thuộc huyện Mỹ Xuyên, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây của huyện Cù Lao Dung, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên ở Trần Đề, du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung. Đồng thời tỉnh định hướng không gian phát triển du lịch theo cụm, bao gồm cụm du lịch đô thị thành phố Sóc Trăng, cụm du lịch Châu Thành - Mỹ Tú - Ngã Năm - Thạnh Trị, cụm du lịch Mỹ Xuyên - Trần Đề - Vĩnh Châu và cụm du lịch Cù Lao Dung - Kế Sách - Long Phú.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, ngay trong cuối tháng 4, chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022) và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng, có hai dự án phát triển du lịch được Sóc Trăng đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư là dự án sân golf trên địa bàn xã Song Phụng, huyện Long Phú và Dự án Khu lâm viên, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, có địa điểm đầu tư trên địa bàn khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng.
Tỉnh cũng công bố một số chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tạo thuận lợi nhiều hơn cho các nhà đầu tư. Thời gian tới, Sóc Trăng tăng cường công tác xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch của từng địa phương, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển các tour, tuyến du lịch với các địa phương trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa du lịch của tỉnh phát triển nhanh, mạnh hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.