Hà Nam khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

07:24, 17/05/2022

Phát huy lợi thế và tiềm năng về du lịch, những năm qua, tỉnh Hà Nam quan tâm, chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ thu hút các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đã tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam được đánh giá là khá phong phú, đa dạng và tương đối đặc thù. Địa hình nơi đây tạo nên các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với các thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, Bát Cảnh Tiên... Đặc biệt hệ thống sông hồ dày đặc với cảnh đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, Núi Đọi-Sông Châu,… cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, riêng có của Hà Nam.

Đánh thức tiềm năng

Cách đây khoảng hơn 10 năm, khu vực Tam Chúc-Ba Sao (huyện Kim Bảng) được biết đến là vùng núi đá vôi ngập nước còn rất hoang sơ, hẻo lánh với nhiều khu đầm lầy lau sậy bị bỏ hoang, dân cư thưa thớt. Là người sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, bà Nguyễn Thị Hoa, 75 tuổi chia sẻ: So với trước đây, Tam Chúc-Ba Sao bây giờ đổi thay rất nhiều. Trước đây, nhắc đến Ba Sao nhiều người nghĩ ngay đến sự hẻo lánh, xa xôi, cách trở về đường đi và những khu vực sình lầy ngập nước quanh năm. Người dân chỉ cấy được một vụ lúa ăn chắc còn một vụ bấp bênh. Đời sống nhân dân ngày ấy khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, đời sống của nhân dân trong vùng đã thay đổi từng ngày. Hạ tầng giao thông được đầu tư, du lịch, dịch vụ phát triển, nhiều con em chúng tôi được nhận vào làm việc tại Khu du lịch Tam Chúc, các cháu được ở gần nhà lại có thu nhập ổn định. Vì thế, người dân đồng tình ủng hộ việc di dời về nơi ở mới nhường đất cho khu du lịch.

Tạo hóa cho Hà Nam một Tam Chúc nhiều tiềm năng du lịch, dịch vụ, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc theo hướng xanh, bền vững. Vì vậy, nơi đây được đầu tư xây dựng trở thành khu du lịch dịch vụ sinh thái, toàn bộ diện tích thiên nhiên được bảo tồn, trong đó có rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, khu núi đá, đàn voọc mông trắng… Những khu vực khai thác, chế biến khoáng sản không phù hợp đã chấm dứt hoạt động hoặc di chuyển để bảo đảm môi trường, phát triển sinh thái.

Với thế lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra hồ nước, chùa Tam Chúc được đánh giá là ở vị trí phong thủy rất đặc biệt “tiền lục nhạc, hậu thất tinh”. Hiện tại, các hạng mục chính là điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Phòng họp quốc tế, các tòa tháp, chùa cổ Ba Sao, các khu khách xá đã được hoàn thành và đón du khách thập phương. Hồ nước ngọt phía trước chùa là một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất Việt Nam, với dãy núi đá vôi bao bọc quanh lòng hồ. Nhìn ra giữa lòng hồ phía trước chùa có sáu quả núi nhỏ (tiền lục nhạc) nhô lên, in hình bóng nước. Dân gian lưu truyền sự tích về sáu quả núi gọi là “lục nhạc”, biểu trưng cho địa thế đẹp của vùng địa linh sơn thủy hữu tình. Cùng với đó là một làng Việt cổ được xây dựng và bảo tồn ngay trên không gian của lòng hồ như mái đình cổ, chùa cổ để nhân dân và du khách đến và cảm nhận được cảnh sinh hoạt truyền thống của một vùng nông thôn Bắc Bộ xưa.

Từ khi Khu du lịch Tam Chúc bắt đầu mở cửa đón khách (năm 2019), Hà Nam đã trở thành một trong những điểm đến mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Đến nay, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của một khu du lịch quốc gia. Với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc đón hơn 3,5 triệu lượt khách, nâng tổng số khách du lịch đến Hà Nam đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm, doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp.

Phát triển du lịch bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20 về đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lấy du lịch làm cơ sở, động lực để thúc đẩy phát triển dịch vụ-thương mại. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh; thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, thương hiệu đầu tư các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao; phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong phát triển thương mại-dịch vụ, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, Hà Nam đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030; rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch. Tuyên truyền, xây dựng hình ảnh Hà Nam là “điểm đến hấp dẫn” đối với du khách. Tiếp tục hình thành và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ yếu; hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Hà Nam tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, từ đường Nguyễn Khuyến, quê hương Nam Cao… Đồng thời, xây dựng lộ trình liên kết hợp tác với các tỉnh lân cận và các trung tâm du lịch lớn trong nước để xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Sau hơn hai năm, ngành du lịch cả nước gặp khó khăn do phải ứng phó với dịch Covid-19, từ giữa tháng 3/2022 khi Chính phủ cho phép ngành du lịch mở cửa trở lại, du lịch Hà Nam có nhiều dấu hiệu hồi phục. Hà Nam đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thu hút khách đến với các khu, điểm du lịch có sức hấp dẫn du khách, như Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang… Việc Hà Nam được chọn là địa điểm tổ chức môn thi đấu Futsal nam, nữ của SEA Games 31 chính là dịp để tỉnh quảng bá và đón bạn bè quốc tế đến với du lịch Hà Nam. Chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Hà Nam đã đón gần một triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 600 tỷ đồng, trong đó, khách quốc tế trở lại tỉnh đạt hơn 38 nghìn lượt người.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức, cho biết: Tỉnh xác định phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển con người. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Hà Nam chủ động giải phóng mặt bằng để sẵn sàng quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Xây dựng danh mục, ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch. Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Làm sao để khai thác hiệu quả nhất các tiềm năng du lịch, tăng sức hấp dẫn các sản phẩm du lịch sẵn có thu hút du khách luôn là sự trăn trở của những người làm du lịch Hà Nam. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, Mai Thành Chung chia sẻ: Để tạo cơ sở hành lang pháp lý để thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch; phối hợp quản lý việc thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; chủ động rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh, trọng tâm là Khu du lịch Tam Chúc. Tiếp tục khai thác hiệu quả những thắng cảnh mà thiên nhiên ưu đãi, cùng với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang dấu ấn địa phương, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá… Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.