Nghề đan đó, rọ Thủ Sỹ; Làng trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai; Làng nghề chạm bạc Huệ Lai; Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng... là những làng nghề nổi tiếng ở Hưng Yên.
Nghề đan đó, rọ Thủ Sỹ
Nằm cách thành phố Hưng Yên khoảng 7km, xã Thủ Sỹ có 2 làng nổi tiếng với nghề đan đó, rọ có từ lâu đời là Nội Lăng và Tất Viên. Để đan được những chiếc đó đẹp, người thợ phải chọn nguyên liệu chính là tre, nứa già; sau đó, khéo léo vót, chẻ thành những thanh nan có chiều dài, kích cỡ khác nhau, tùy thuộc từng loại đó, rọ. Để đan thành những chiếc đó, rọ, người thợ lành nghề chỉ mất khoảng 1 giờ với các công đoạn: Chẻ, vót nan; dựng khung; đan vành, hom miệng, cạp thân, đuôi. Cuối cùng, người ta đặt chúng trên gác bếp để khói ám và lên màu nâu cánh gián, giúp sản phẩm đẹp và bền hơn.
Ngày nay, sản phẩm đó, rọ của xã Thủ Sỹ không chỉ là nông cụ để người nông dân đánh bắt thủy sản mà còn là sản phẩm phục vụ thiết kế, trang trí nội thất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Làng trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai
Làng trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) hình thành cách đây hàng trăm năm và là một trong những nơi trồng, chế biến dược liệu lớn nhất cả nước. Các loại dược liệu chính được trồng ở đây gồm tía tô, kinh giới, bông mã đề, kim tiền thảo, bạch chỉ, ngưu tất, địa liền... Trong đó, diện tích trồng lớn nhất là hoa cúc chi - loài hoa tiến vua có màu vàng rực, hương thơm dịu, được dùng như một loại trà (trà hoa cúc), rất tốt cho sức khỏe. Làng Nghĩa Trai có nhiều lương y giỏi, có thể kê đơn bốc thuốc và chẩn trị bệnh theo y học cổ truyền.
Làng nghề chạm bạc Huệ Lai
Làng nghề chạm bạc Huệ Lai (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) nổi tiếng với các sản phẩm trang sức như vòng, kiềng, hoa tai, nhẫn... Mỗi sản phẩm được tạo ra đòi hỏi sự thuần thục, tinh tế cùng kinh nghiệm lâu năm của người thợ. Đồ trang sức Huệ Lai không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc... Mặc dù mới được hình thành từ đầu thập niên 1990 nhưng làng nghề chạm bạc Huệ Lai đã nhanh chóng phát triển, mang lại cho các hộ dân thu nhập ổn định.
Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng
Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm) được hình thành từ thời Lý, nổi tiếng với các sản phẩm thờ cúng được đúc từ đồng như đỉnh, hạc, chân nến, lư hương, mâm bồng... Từ bàn tay tài hoa của người thợ, những hoa văn, đường nét chạm khắc tinh xảo hiện lên, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm, giúp làng nghề đúc đồng Lộng Thượng khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.