Đảo Quan Lạn cách cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 40km, nằm trong quần thể di tích thắng cảnh của vịnh Bái Tử Long. Vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của đảo những năm gần đây được nhiều người biết tới và trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Điều ý nghĩa nhất khi đặt chân tới Quan Lạn là du khách được giới thiệu đi thăm các di tích cổ trên đảo. Có thể nói cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn thực sự là những di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân biển, gắn liền với truyền thống lịch sử chống giặc ngoai xâm của dân tộc ta và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Trong đó, tiêu biểu nhất là đình, chùa Quan Lạn.
Đình Quan Lạn được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ thứ 17), nằm giữa trung tâm của đảo. Đình gồm một bái đường nối với hậu cung bởi ba gian ống muống. Trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong. Phía trước đình đắp bốn chữ nổi “Quốc thịnh dân hưng”, thể hiện ước vọng của người dân trong vùng.
Bên trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỷ và rất độc đáo, tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Đặc biệt, các đầu bẩy đều chạm khắc đầu rồng, mỗi một đầu rồng lại có sự khác nhau. Sàn đình được làm bằng gỗ. Đình còn lưu giữ được 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841). Đình thờ Thành Hoàng làng, các vị Tiên Công có công lập ấp dựng làng và thờ tướng Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận đánh thuyền lương của giặc Nguyên Mông.
Chùa Quan Lạn nằm cạnh đình Quan Lạn. Chùa có tên chữ là Linh Quang tự, có kiến trúc khá độc đáo, ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài. Trên các đầu xà, đầu trụ có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen.
Người làng kể: Cụ Hậu là người gốc Quan Lạn, không có con, sống rất hiền lành, phúc hậu, trước khi chết, cụ đã hiến toàn bộ tài sản của mình cho nhà chùa, vì vậy mà người dân trong vùng đã tôn cụ làm Hậu Phật, tạc tượng cụ và đặt trong chùa.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ được đầy đủ hệ thống tượng phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh.
Chung quanh đảo có nhiều bãi tắm nhưng có ba nơi đẹp nhất là Sơn Hào, Minh Châu và Quan Lạn. Những ngày ở Quan Lạn, mọi người có thể tới cả ba bãi tắm để vẫy vùng, hòa mình trong làn nước xanh biếc của biển. Biển Quan Lạn hấp dẫn bởi vẻ đẹp dịu dàng, êm đềm và rất đỗi hoang sơ, thuần khiết. Bờ cát được tạo nên bởi những hạt cát nhỏ li ti, mịn màng như câu ví “trắng như tuyết, mượt như nhung”… Sóng vỗ rì rào êm dịu, những cơn gió nhẹ mơn man tạo cho du khách cảm giác lạc vào một cõi thần tiên nào đó.
Bãi biển Sơn Hào tuy có bãi cát dài nhưng nằm gần lạch biển nên sóng to chỉ thích hợp cho những du khách ưa cảm giác mạnh. Bãi biển Minh Châu mang cảm giác êm dịu với những cơn sóng nhỏ lăn tăn gợn theo gió vỗ vào bờ. Bãi tắm Quan Lạn tựa hình trăng lưỡi liềm trải dài, được bao bọc bởi những đồi cây xanh uốn lượn dịu dàng như làn mi con gái. Cả ba bãi tắm đều rất sạch sẽ, trong lành.
Đi dạo trên bờ biển, nghe sóng rì rào vỗ lên bờ cát, ai cũng có thể cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một vùng biển đảo.