Ngay khi cả nước mở cửa du lịch sau đại dịch COVID-19, lượng du khách đến Hải Phòng tăng mạnh, đặc biệt là du khách đến khu Đồ Sơn và nội đô.
Đồ Sơn tái khẳng định vị trí trọng điểm du lịch
Nếu như trước đây, Đồ Sơn là thương hiệu du lịch nổi tiếng và là "anh cả" trong lĩnh vực du lịch biển thì từ khoảng những năm 2000, thương hiệu vang bóng một thời này dần dần bị mai một. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp để vực dậy du lịch Đồ Sơn, song những điểm nghẽn về hạ tầng du lịch, sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư lớn đã khiến thương hiệu du lịch này chỉ là điểm dừng chân chớp nhoáng của người Hải Phòng cũng như một số địa phương lân cận.
Mùa hè này, Đồ Sơn đã khác. Tại Liên hoan du lịch "Đồ Sơn - Sắc màu của biển 2022", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, trong những năm qua, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng đã được trung ương và thành phố Hải Phòng đầu tư xây dựng với quy mô lớn, mang tầm chiến lược và có tác động tích cực đến phát triển du lịch Đồ Sơn như: đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi, đường ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa đi qua Đồ Sơn sẽ đưa du khách đến với Hải Phòng, Đồ Sơn nhanh hơn, thuận tiện hơn. Với vị trí trung tâm kết nối các điểm du lịch biển đảo, từ Đồ Sơn, du khách có thể tiếp tục hành trình thăm quan vịnh Hạ Long, đến với quần đảo Cát Bà. Đó là những điều kiện thuận lợi phát triển Hải Phòng cũng như phát triển du lịch Đồ Sơn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam, ngoài những dự án đầu tư phát triển du lịch đã và đang được triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng, Đồ Sơn đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án lớn đó là dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng do Tập đoàn Geleximco đầu tư. Dự án hoàn thành sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mà Đồ Sơn chưa có, khắc phục được những tồn tại, tính chất mùa vụ của du lịch Đồ Sơn, đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ mát, vui chơi giải trí của du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài sự quan tâm, đầu tư của trung ương và thành phố Hải Phòng dành cho Đồ Sơn không thể không kể đến nỗ lực của ngành du lịch và quận Đồ Sơn trong việc làm mới các sản phẩm của địa phương này. Trước khi du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại, Sở Du lịch Hải Phòng đã tổ chức đoàn khảo sát các điểm du lịch tại Đồ Sơn, An Lão và khu vực nội thành. Tại buổi hội thảo trong khuôn khổ chương trình khảo sát, các đại biểu đánh giá rất cao tiềm năng du lịch của Đồ Sơn nói riêng, khu vực nội thành Hải Phòng nói chung, trong đó điểm nhấn của du lịch Đồ Sơn phải kể đến như đảo Hòn Dấu, địa danh duy nhất để xác định bình địa quốc gia Việt Nam. Cũng tại đảo này, có quần thể đa búp đỏ với niên đại trên 500 năm trải rộng trên diện tích 5 ha duy nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, Đồ Sơn còn có lễ hội chọi trâu là lễ hội dân gian lâu đời, độc đáo nhất Việt Nam, có bến K15 là nơi xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển, Chùa Hang là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam.
Trong những năm gần đây, sản phẩm OCOP tại Đồ Sơn cũng trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn như thăm nơi trồng táo muối Bàng La, sản xuất, chế biến cá thu một nắng.
Ngay khi cả nước mở cửa du lịch sau đại dịch COVID-19, lượng du khách đến Hải Phòng tăng mạnh, đặc biệt là du khách đến khu Đồ Sơn. Ảnh tư liệu: Minh Thu/TTXVN
Với sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương nhưng đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của du khách đã giúp du lịch Đồ Sơn bứt phá trở lại. Theo báo cáo của Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Đồ Sơn, năm 2022, quận phấn đấu thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch. Từ đầu năm đến nay, Đồ Sơn đã thu hút được 1.150.000 lượt khách, đạt gần 70% kế hoạch năm 2022 và chiếm gần một nửa du khách đến Hải Phòng trong 5 tháng qua.
Du lịch nội đô hút khách
Nếu trước đây, khu vực nội đô của Hải Phòng chỉ là điểm ghé qua của du khách thì năm nay, khu vực này lại trở thành một điểm tham quan độc đáo, thu hút du khách trẻ tới thăm với hàng nghìn lượt du khách mỗi tuần. Đây là kết quả của sự làm mới sản phẩm du lịch nội đô bằng cách công bố danh sách bản đồ món ăn ngon và địa điểm thăm quan, chụp ảnh khu vực nội thành Hải Phòng.
Tại hội nghị thảo luận về việc nâng cao chất lượng và quy mô chương trình Hải Phòng Foodtour được Sở Du lịch Hải Phòng vừa tổ chức, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền chia sẻ, văn hóa ẩm thực là vốn quý mà Hải Phòng có thể giới thiệu đến du khách, từ đó các chủ nhà hàng, quán ăn có bước phát triển sâu rộng hơn, tạo niềm hứng khởi, động lực để duy trì bản sắc văn hóa ẩm thực thành phố.
Để tiếp tục duy trì và phát triển chương trình Foodtour, ngành du lịch mong muốn sự chung tay góp sức của các chủ nhà hàng, quán ăn trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ứng xử văn minh du lịch, tạo thêm dịch vụ trải nghiệm để du khách có những ấn tượng tốt nhất khi đến với Hải Phòng. Thời gian tới, ngành du lịch mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, cung cấp thông tin từ các chủ nhà hàng, quán ăn để tiến hành số hóa các địa chỉ ẩm thực, qua đó cung cấp thông tin về những món ăn, truyền tải những câu chuyện xoay quanh món ăn tại địa chỉ đó, để truyền cảm hứng về văn hóa ẩm thực cho du khách đến với Hải Phòng.
Theo đại diện Sở Du lịch Hải Phòng, tiếp nối sự thành công của Foodtour, Sở Du lịch Hải Phòng đã công bố bản đồ "Hải Phòng lòng vòng check in". Sở Du lịch cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai bản đồ số Foodtour và check in, dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 8/2022 để du khách có thể tìm kiếm thông tin thuận tiện, dễ dàng.
Với sự thành công trong tái khẳng định thương hiệu du lịch Đồ Sơn, sự đổi mới trong thu hút du khách đến khu vực nội đô Hải Phòng và phong độ của du lịch Cát Bà, 5 tháng qua, Du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ 2.381.380 lượt khách, tăng 13,66% so với cùng kỳ, bằng 52,57% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế 73.178 lượt, tăng 110,4% so với cùng kỳ.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng, trong những tháng tiếp theo, ngành du lịch thành phố tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch nội đô. Theo đó, ngành sẽ xây dựng đề cương đề án "Tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và triển khai kế hoạch điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch. Ngành cũng sẽ xây dựng các kế hoạch khảo sát các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố để đánh giá, đề xuất phương án quản lý.