Ngày 31/5, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp cùng với các đơn vị chuyên môn, sở, ban ngành tổ chức Hội thảo “Sức tải Khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và quản trị phát triển du lịch bền vững”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cung cấp những thông tin quan trọng, nhìn nhận sức tải của vùng du lịch Hạ Long, về cung ứng dịch vụ và điểm nghẽn khi tham quan di sản. Những đánh giá này cho thấy, khách du lịch tập trung vào một số điểm đến, gây tắc nghẽn và gây lãng phí tài nguyên. Đây là bài toán lớn với những người làm công tác quản lý trong việc khai thác di sản phù hợp với bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững, không chỉ riêng Hạ Long mà còn các di sản khác trong cả nước. Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận giải pháp nhằm cải thiện môi trường vịnh Hạ Long, môi trường du lịch để phát triển một cách bền vững trong tương lai.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho biết: Tỉnh Quảng Ninh có một di sản thiên nhiên thế giới tuyệt vời, cần khai thác hài hòa, bền vững lâu dài; cần trao cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long thêm quyền lực và tăng thêm nguồn lực để họ làm tốt công tác quản lý. Mỗi du khách cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản; cần truyền thông, đẩy mạnh giáo dục về trách nhiệm này bởi khi có một trải nghiệm tốt, mang lại sự hài lòng và những giá trị lâu dài, họ sẽ tiếp tục giới thiệu cho bạn bè đến với di sản.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long chia sẻ, thông qua hội thảo lần này, các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế về sức tải Khu Di sản vịnh Hạ Long sẽ góp phần quản lý du lịch vịnh Hạ Long bền vững, gắn với quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong giai đoạn mới phù hợp với tình hình thực tiễn của khu di sản và xu hướng phát triển bền vững của thế giới, đồng thời đáp ứng các tiêu chí của Tổ chức UNESCO.
Tiến sĩ Ali Kiran và Tiến sĩ Celal Kaplan đến từ Tập đoàn Tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) chia sẻ về những khó khăn, thách thức khi vịnh Hạ Long gia tăng khách du lịch, những thách thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ, du lịch để phát triển bền vững.
Theo đó, đối với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, những thách thức về công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường từ du lịch và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác càng trở nên nghiêm trọng khi cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và tổ chức còn bất cập, các nút thắt cản trở sự phát triển bền vững du lịch chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. Đứng trước thực trạng này, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần có những nghiên cứu để đề xuất được các định hướng và giải pháp phát triển du lịch bền vững nhằm đảm bảo sức chứa về sinh thái, xã hội và văn hóa của khu vực.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Thế Anh, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cần có các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý bền vững du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng cho phát triển du lịch bền vững; quản lý, giám sát và kiểm soát môi trường, hoạt động du lịch.
Tỉnh Quảng Ninh đã có quan tâm, nỗ lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn Di sản vịnh Hạ Long và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi và chuyển biến tích cực đối với các cấp chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp và khách du lịch. Bên cạnh các nhóm giải pháp đề xuất nêu trên, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi di sản vịnh Hạ Long, xây dựng đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững vịnh Hạ Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo giúp những người làm công tác quản lý đưa ra các giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long hội nhập với thế giới về phát triển bền vững, nhất là khi Quảng Ninh đang xây dựng quy hoạch không gian phát triển tỉnh từ nay cho tới 2030 đến 2045.