Cực Nam Trung Bộ gồm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận được biết đến là vùng khô hạn nhất nước ta, đất đai ngày càng bị sa mạc hóa. Từ khó khăn, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, hai địa phương này đã tìm thấy hướng phát triển từ chính sự bất lợi đó để tạo ra những sản phẩm hội tụ giá trị khác biệt.
Ở vùng đất thiếu mưa, thừa nắng với những đồi cát trải dài ven biển, một thời gian dài, đời sống của một bộ phận người dân vùng cực Nam Trung Bộ rất vất vả vì khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, hiện những "tiểu sa mạc" lại trở thành lợi thế với biển xanh, cát trắng, nắng vàng thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chưa kể, gió mạnh, nắng nhiều cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo hình thành những cánh đồng điện gió, những trang trại điện mặt trời cho hiệu quả kinh tế cao.
Du lịch từ những khác biệt
Năm 2010, Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ du lịch Triều Trang (Công ty Triều Trang) triển khai đầu tư tại khu danh thắng quốc gia Bàu Trắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), một khu vực rộng hàng trăm héc-ta chỉ có đồi cát trắng "tiểu sa mạc". Học tập mô hình khai thác du lịch trên sa mạc ở một số nước Trung Đông, Công ty Triều Trang mua xe mô-tô, ô-tô địa hình cho du khách thuê tự lái trải nghiệm hoặc chở du khách vượt đồi cát. Công ty hiện có khoảng 30 ô-tô và hơn 50 xe mô-tô địa hình hoạt động hiệu quả.
Giám đốc Công ty Triều Trang Nguyễn Quả cho biết, hằng năm, vào mùa cao điểm du lịch từ tháng 6 đến tháng 8, mỗi ngày bình quân không dưới 1.000 du khách cả trong và ngoài nước tới đây du lịch, trải nghiệm lái xe địa hình vượt đồi cát "tiểu sa mạc". Nơi đây cũng là điểm đến thường xuyên của nhiều du khách nước ngoài từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, châu Âu, Australia...
Anh Nguyễn Hoàng Hải, du khách đến từ Hà Nội cho biết, vào dịp hè gia đình anh đều cố gắng tới đây để trải nghiệm đi xe địa hình. Đây là một sản phẩm du lịch rất độc đáo ở vùng cực Nam Trung Bộ.
Bình Thuận có tổng diện tích đất cát ven biển chiếm khoảng 16% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Những "tiểu sa mạc" này đã trở thành nét đặc trưng được tỉnh Bình Thuận dần khai thác thành những sản phẩm du lịch lợi thế gắn liền với cát: Du lịch tham quan, khám phá cảnh quan và hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên địa hình cát.
Cách khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) không xa về phía bắc, dựa vào địa hình tự nhiên núi và biển nằm cạnh nhau, môi trường trong lành, nhiều hộ dân ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) từng bước tiếp cận và mạnh dạn làm du lịch lữ hành với nhiều cách sáng tạo, mang lại thu nhập cao. Vài năm gần đây, khi tuyến đường giao thông ven biển dài hơn 105km hoàn thành, Ninh Thuận đã phát triển nhiều mô hình du lịch ven biển. Tỉnh quy hoạch xây dựng Mũi Dinh trở thành trung tâm du lịch và phát triển kinh tế biển của địa phương với quy mô 1.256ha thuộc địa phận hai xã Phước Dinh và Phước Diêm, huyện Thuận Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, sự xuất hiện của những tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển quy mô, đẳng cấp quốc tế như SunBay Park, Sailing Bay Ninh Chữ, Cap Padaran, Amanoi,… do các doanh nghiệp hàng đầu về du lịch của Việt Nam và quốc tế như Crystal Bay, F.I.T Vinpearl, T&T, TDH Ecoland,... tìm đến đầu tư là yếu tố then chốt giúp Ninh Thuận bứt phá nhiều hơn nữa về phát triển du lịch trong tương lai.
Biển, đảo cũng là lợi thế lớn để vùng cực Nam Trung Bộ khai thác phát triển du lịch. Phú Quý là huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, cách đất liền (thành phố Phan Thiết) 56 hải lý, có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng. Những năm gần đây, giao thông kết nối giữa đảo với đất liền ngày càng thuận lợi, Phú Quý trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Anh Trần Vân, du khách đến từ quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Đi du lịch Phú Quý giờ rất dễ dàng, việc đặt vé tàu, đặt chỗ nghỉ, phương tiện đi lại trên đảo chỉ cần lên mạng là xong. Với tôi, Phú Quý rất thân thuộc và yên bình".
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh cho biết, huyện đang tiếp tục xây dựng ngành du lịch địa phương ngày càng chuyên nghiệp, tô đậm hình ảnh du lịch Phú Quý "An toàn - Thân thiện - Chất lượng" đối với mọi du khách.
Du khách trải nghiệm chạy xe mô-tô địa hình vượt sa mạc tại Khu du lịch sinh thái Bàu Trắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh ĐÌNH CHÂU)
Hướng đến trung tâm năng lượng lớn
Theo kết quả khảo sát, tổng diện tích khu vực có tiềm năng gió tài chính của Bình Thuận là 23.549ha, chiếm 3% tổng diện tích toàn tỉnh. Tổng công suất điện gió lắp đặt trong khu vực có tiềm năng gió tài chính ước khoảng 1.570MW. Bình Thuận cũng là nơi có số giờ nắng, bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp, thuận lợi để phát triển điện mặt trời.
Năm 2008, Dự án nhà máy Phong điện 1- Bình Thuận do Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.500ha, tổng công suất 120MW. Đến tháng 6/2011, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành với 20 tua-bin gió có công suất 30MW được lắp đặt hoàn chỉnh trên diện tích 150ha.
Bốn năm sau, cũng tại huyện Tuy Phong, dự án thứ hai là nhà máy điện gió Phú Lạc được khởi công xây dựng do Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình (EVN TBW) làm chủ đầu tư trên diện tích 400ha. Đến năm 2021, toàn bộ dự án đã hoàn thành với công suất 50MW, mỗi ngày cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 400 nghìn kW giờ.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành EVN TBW, Chủ tịch Hiệp hội điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, cho biết, Bình Thuận, Ninh Thuận là hai địa phương có tiềm năng tốt nhất nước ta để phát triển điện gió và điện mặt trời. Công ty đầu tư xây dựng nhà máy điện gió tại đây để khai thác tiềm năng sẵn có, đồng thời mong muốn cùng địa phương đưa vùng đất cằn cỗi này trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường…
Theo Sở Công thương Bình Thuận, với tám dự án điện gió đã đi vào hoạt động, phát điện thương mại với tổng công suất 299,6MW cùng 26 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.110,11MW đang hoạt động đã cung cấp cho hệ thống khoảng 2 tỷ kW giờ/năm. Đây là nguồn bổ sung rất hữu ích cho hệ thống điện quốc gia và khu vực.
Cùng với đó, trên địa bàn Bình Thuận có Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong với ba nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Tổng công suất lắp đặt của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là 4.244MW, hằng năm cung cấp sản lượng điện lên hệ thống khoảng 25 tỷ kW giờ. Như vậy, trên lĩnh vực năng lượng, Bình Thuận đã cung cấp khoảng 8% nguồn điện được huy động cho quốc gia.
Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư xây dựng tại các vùng đất bị sa mạc hóa, người dân không thể canh tác nông nghiệp; các khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc phát triển các ngành nghề khác không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp. Thực tế này cho thấy, Bình Thuận đã biết khai thác tiềm năng từ những khó khăn, bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển.
Tại Ninh Thuận, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035MW vận hành thương mại với quy mô phát điện hơn 4,7 tỷ kW giờ. Liên tục trong ba năm (2019-2021), Ninh Thuận nằm trong nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước. Trong đó, năng lượng tái tạo tăng 59,8%, đóng góp 6,84% vào tăng trưởng chung của tỉnh…
Biến khó khăn, bất lợi thành lợi thế để phát triển, vùng đất cực Nam Trung Bộ đã tạo ra nhiều giá trị khác biệt, độc đáo. Thực tế chứng minh đó là định hướng phát triển đúng và trúng của Bình Thuận, Ninh Thuận. Cùng với phát triển du lịch, trong tương lai không xa, việc phát triển năng lượng tái tạo gồm các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ đưa vùng đất cực Nam Trung Bộ này trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.