Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Bến Tre đã từng bước đón “sóng” phục hồi kinh tế, trong đó hoạt động du lịch như được thổi một luồng sinh khí mới, cơ bản phục hồi và có nhiều khởi sắc.
Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng khách và doanh thu đều tăng 50 - 60% so với cùng kỳ. Ước 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch đến Bến Tre gần 457.000 lượt, đạt 36,19% kế hoạch (tăng 97,05% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế 13.757 lượt. Doanh thu ước 515 tỷ đồng, đạt 36,27% kế hoạch, tăng 117,92% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre thông tin, ngay khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều chương trình, sự kiện khởi động lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả; đồng hành với các đơn vị kinh doanh du lịch trong nhiều hoạt động. Đồng thời, Bến Tre tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong Cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long,… Nhờ vậy, lượng khách và doanh thu đều tăng mạnh so cùng kỳ, công suất phòng của các cơ sở lưu trú đạt trên 60%. Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch mang đậm nét “xứ Dừa” của Bến Tre đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của du khách.
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, thế mạnh của du lịch Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng. Ngoài ra, mảnh đất ba dải cù lao còn có bề dày truyền thống văn hóa. Tỉnh hiện có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia và gần 60 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương có các lễ hội và các làng nghề truyền thống như sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng,… cùng các làng điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa phong phú, du lịch Bến Tre tập trung phát triển một số loại hình du lịch chủ yếu như: du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; tham quan di tích lịch sử - văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí; du lịch nông nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ cao, du lịch MICE...
Du khách trải nghiệm không gian du lịch sinh thái Bến Tre. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho hay, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch như tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá Bến Tre điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng. Tỉnh đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước nhất là liên kết, phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Song song đó, tỉnh khuyến khích các đơn vị du dịch trên địa bàn quan tâm đầu tư xây dựng mới, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu xây dựng thêm nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, phong phú, hấp dẫn, mang nét đặc trưng của du lịch Vùng xanh xứ dừa; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ khách,…
Đặc biệt, trong tháng 6/2022, Bến Tre sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Bên cạnh các sự kiện chính, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang triển khai các hoạt động hưởng ứng như: Giải Marathon dành cho vận động viên và khách du lịch; Hành trình theo bước chân cụ Đồ; Hội diễn “tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông”; Hội chợ Triển lãm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp thương mại và ẩm thực xứ dừa; Xác lập kỷ lục 200 món ăn từ dừa… Đây là dịp để quảng bá tiềm năng du lịch, hình ảnh đất và người Bến Tre, qua đó thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến xứ Dừa tham quan, trải nghiệm. Hiện, ngành Du lịch đã có thông tin đến các doanh nghiệp, cơ sở du lịch để kết nối, mời gọi tham gia và có các hoạt động hưởng ứng đối với sự kiện này.