Nhà thờ Phủ Cam

Theo HNMO 08:44, 13/01/2023

Nhà thờ Phủ Cam là một cái tên quen thuộc ở Huế. Mặc dù không phải là công trình thuộc quần thể di tích Cố đô, song ngôi nhà thờ này luôn được “điểm danh” trong bản đồ du lịch xứ Huế. Với người theo đạo, nhà thờ Phủ Cam thực sự quan trọng và có ý nghĩa bởi đây là Nhà thờ Chính tòa của Tổng giáo phận Huế; còn với du khách ngoại đạo, đây là một kiến trúc đẹp đáng để chiêm ngưỡng.

Mặt ngoài nhà thờ Phủ Cam.
Mặt ngoài nhà thờ Phủ Cam.

Số phận long đong một công trình

Nhà thờ Phủ Cam nằm ở bờ nam sông Hương, ngự trên một ngọn đồi nhỏ có tên là Phước Quả. Công trình có một vị trí đẹp, chế ngự một không gian rộng lớn, xung quanh có nhiều công trình khác của Giáo hội. Nhà thờ Phủ Cam là một trong những giáo đường lớn nhất, nổi tiếng nhất xứ Huế.

Nhà thờ Phủ Cam nguyên là nhà nguyện, được xây dựng bằng tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu, do linh mục Langlois thực hiện vào năm 1682. Hai năm sau, vị linh mục này đã cho mua đất trên đồi Phước Quả để xây dựng công trình mới bằng đá kiên cố hơn. Nhưng đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1698, nhà thờ đã bị triệt giải hoàn toàn.

Hai thế kỷ sau, năm 1898, giám mục Eugène Marie Allys (giám mục Lý) đã cho xây dựng nhà thờ Phủ Cam mới bằng gạch lợp ngói khá đồ sộ tại vị trí cũ. Lần này, công trình quay về hướng kinh thành (hướng bắc), do chính giám mục Allys thiết kế và giám sát thi công. Công trình hoàn thành xây dựng vào năm 1902, theo phong cách kiến trúc Gothique.

Dù vậy, công trình này lại bị thay thế vào thập niên 60 của thế kỷ XX bởi nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công trình hết niên hạn sử dụng và trở nên chật hẹp so với số lượng giáo dân ở Phủ Cam. Đầu năm 1963, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, nhà thờ cũ bị triệt giải và một ngôi nhà thờ mới được xây dựng rộng hơn theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Trong khi công trình mới đang xây dựng xong phần nền móng và một phần tường vách thì xảy ra cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 khiến việc xây dựng bị chững lại. Tuy việc xây dựng vẫn được tiến hành song tiến độ rất chậm chạp. Tết Mậu Thân (1968), bom đạn đã làm hư hại phần lớn công trình, việc xây dựng gặp nhiều trở ngại, đến trước 1975 vẫn chưa hoàn thành. Phải đến năm 2000, việc xây dựng nhà thờ mới được hoàn thành.

Dấu ấn kiến trúc hiện đại 

Nhà thờ Phủ Cam có mặt bằng kinh điển hình cây thánh giá, đỉnh hướng về phía nam, chân hướng về phía bắc. Mặt đứng công trình có bố cục đăng đối với khối sảnh và thánh đường ở giữa, hai tháp chuông vươn cao hai bên. Công trình có kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại với vật liệu bê tông cốt thép. Hệ kết cấu chịu lực cũng là yếu tố chủ đạo của kiến trúc - nội thất công trình. Các trụ đỡ mái thánh đường được bố trí sát chân tường biên, uốn cong vươn lên tạo thành vòm mái công trình, mềm mại như đôi bàn tay chắp lại khi cầu nguyện. Ở trên cao, giữa các trụ vòm là những ô cửa sổ cũng được uốn thành vòm để lấy ánh sáng cho thánh đường. Từ mỗi cạnh của cung thánh là ba trụ vòm vươn lên, trong đó bốn trụ góc giao nhau trên đỉnh tạo thành một không gian uy nghi và trang trọng.

Lòng nhà thờ rộng có thể chứa được 2.500 người. Hai bên tường được trang trí bằng những bức tranh khung gỗ nói về cuộc đời của chúa Giêsu. Ban thờ chính được đặt trên một bệ cao trang nghiêm. Cây thánh giá được làm bằng một cây thông già trên đồi Thiên An, phía trên là hình bán thân chúa Giêsu dang hai tay ngửa lên trời trong tư thế rao giảng, viền xung quanh là dòng chữ “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”. Cung thánh nằm chính giữa của hình giao chữ thập với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.

Mặc dù công trình có bố cục đối xứng cổ điển song kiến trúc nhà thờ vẫn toát lên vẻ hiện đại với những đường nét, hình khối mạnh mẽ, hài hòa. Chính diện nhà thờ uốn cong trên mặt bằng, với hai tháp chuông xoay khoảng 45o tạo sự mềm mại và chiều sâu. Đỉnh mái thánh đường và hai tháp chuông vươn cao đầy ấn tượng. Các khối, mảng kiến trúc lớn được xây bằng đá công phu, cầu kỳ. Đây là công trình kiến trúc hiện đại, khoáng đạt mà gần gũi. Các vật liệu đá, bê tông, kính được sử dụng nhuần nhuyễn, khéo léo, tạo nên hiệu quả công năng và thẩm mỹ cao cho công trình. Yếu tố khí hậu cũng được nghiên cứu và ứng dụng hợp lý trong kiến trúc như sảnh sâu có mái, hệ mái chính vươn xa, cửa sổ hai tầng lấy sáng và thông gió, hàng hiên các phía…

Nhà thờ Phủ Cam là công trình có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, xứng đáng là một di sản quan trọng của xứ Huế.