Dịp đầu xuân mới, nhiều khu di tích, điểm văn hóa tâm linh thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái, nguyện cầu những điều may mắn, bình an, hạnh phúc. Mặc dù, các công ty du lịch đã chú trọng xây dựng tour nhưng du lịch tâm linh vẫn mang tính mùa vụ, chưa trở thành sản phẩm có sức hút trong cả bốn mùa...
Du khách tham quan chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam). |
“Mỏ vàng” thu hút du khách
Việt Nam có hơn 41.000 di tích, gần 9.000 lễ hội, đó là nguồn lực dồi dào để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, trong đó có du lịch tâm linh. Từ đầu năm đến nay, các tour du lịch đi đền, chùa, di tích lịch sử được rất nhiều người lựa chọn. Trong đó, những điểm du lịch tâm linh như chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), phủ Dầy, đền Trần (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam), miếu Bà chúa xứ (An Giang)… đang được nhiều du khách lựa chọn.
Từ trước Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chào bán các sản phẩm du lịch tâm linh có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Cụ thể, tour đi lễ chùa Tam Chúc (Hà Nam) vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần có giá 550.000 đồng/người; tour đi lễ Yên Tử, chùa Đồng (Quảng Ninh) có giá 900.000 đồng/người; tour đi lễ Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) 700.000 đồng/người... Một số tour du lịch Hà Nội đi trong ngày như chùa Hương (Mỹ Đức), chùa Non Nước - Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn), chùa Trăm Gian - chùa Trầm (Chương Mỹ) có giá 500.000-750.000 đồng/người...
Nắm bắt du lịch tâm linh là “mỏ vàng” để thu hút du khách, nhiều năm nay, các địa phương đã sớm có kế hoạch đổi mới trong tổ chức lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa gắn với du lịch tâm linh nhằm tăng sức hút, tạo thuận tiện hơn cho du khách. Tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), ngoài lễ chính còn có hoạt động thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm; lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam) tổ chức nghi thức rước nước công phu; lễ hội chùa Hương (Hà Nội) chuyên nghiệp hóa các dịch vụ xe điện, bán vé điện tử...
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mùa lễ hội năm nay, các địa phương chuẩn bị tốt từ công tác quản lý, tổ chức đến truyền thông, quảng bá. Vì thế, hoạt động du lịch tâm linh đã đóng góp rất lớn trong việc gia tăng lượng khách. Điển hình như Thủ đô Hà Nội đón hơn 2,1 triệu lượt khách trong tháng 2-2024, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó lượng khách đi du lịch tâm linh chiếm số đông; tỉnh Ninh Bình đón gần 1,92 triệu lượt khách, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm trước; tỉnh Lào Cai đặt kỳ vọng du lịch tâm linh sẽ giúp địa phương hoàn thành sớm mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách trong năm 2024...
Để bốn mùa bội thu
Theo các chuyên gia, du lịch tâm linh đang là xu thế và thế mạnh được rất nhiều quốc gia khai thác, trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo mang nguồn thu lớn như: Ấn Độ, Bhutan, Thái Lan... Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh thể hiện ở bề dày văn hóa, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm gắn với tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh sẽ có sức hút không chỉ với khách nội địa mà còn hấp dẫn với khách quốc tế.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch tâm linh là dòng sản phẩm văn hóa rất hấp dẫn và đặc trưng của Việt Nam. Số lượng khách tham gia du lịch tâm linh đang chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu khách du lịch.
Mặc dù được đánh giá là dòng sản phẩm có sức hút lớn nhưng các chuyên gia cũng nhận định, du lịch tâm linh tại Việt Nam vẫn mang tính thời vụ, lượng khách thường tập trung nhiều vào đầu năm và cuối năm.
Để tạo sức hút với du khách, khai thác hiệu quả “mỏ vàng” du lịch tâm linh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch đầu tư bài bản cho những lễ hội, điểm di tích tâm linh mang tính nổi bật, tạo thành thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho những lễ hội tổ chức vào mùa hè, mùa thu. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái, du khách thường có xu hướng đi lễ ở nhiều điểm, vì thế các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ cũng như liên kết với các đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch tâm linh trọn gói hấp dẫn, nhiều trải nghiệm cho du khách.
Tại Hà Nội, du lịch văn hóa, trong đó có du lịch tâm linh luôn được xem là thế mạnh của du lịch Thủ đô. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội luôn đề nghị các địa phương quan tâm, không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm du lịch văn hóa bằng nhiều trải nghiệm hấp dẫn; tăng cường tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp từ các lễ hội, điểm di tích, di sản. “Thời gian tới, du lịch Hà Nội tiếp tục tăng cường liên kết với các địa phương Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang... góp phần giúp các đơn vị lữ hành xây dựng những sản phẩm tour hiệu quả, hấp dẫn”, bà Đặng Hương Giang nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin