Với lợi thế có nhiều di sản thế giới, Việt Nam đang nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản để đẩy mạnh du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển bền vững.
Điểm dừng chân Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) thu hút được đông đảo khách du lịch. Ảnh: Hoàng Quyên |
Ngoài khai thác sức hút riêng của từng di sản, nhiều địa phương đã liên kết, xây dựng các tour du lịch kết nối, qua đó tăng giá trị của điểm đến và sức hấp dẫn đối với du khách.
Cung đường di sản hấp dẫn
Cuối tháng 3 vừa qua, Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) phối hợp với hai tỉnh Cao Bằng, Hà Giang thực hiện đợt khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch khai thác tài nguyên của 2 công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Đây là lần đầu tiên hai địa phương cùng bắt tay để xây dựng sản phẩm chung “Một hành trình hai công viên địa chất toàn cầu”.
Sản phẩm du lịch này giúp du khách có một cuộc phiêu lưu mới như: Trải nghiệm cung đường đèo 15 tầng nổi tiếng ở Cao Bằng, tham quan hẻm Phong Lưu (nơi giáp ranh giữa Cao Bằng và Hà Giang), chợ tình Khâu Vai, đèo Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản (Hà Giang)... Khi sản phẩm ra mắt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Lan không giấu được niềm vui: “Đây sẽ là cơ hội để du khách được trải nghiệm hai di sản địa chất thế giới, tạo động lực giúp hai tỉnh miền núi phát triển du lịch, tăng trải nghiệm và lưu trú cho du khách”.
Câu chuyện kết nối di sản để xây dựng thành những tuyến trải nghiệm mới, hấp dẫn đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Trước Cao Bằng và Hà Giang, nhiều tỉnh, thành phố khác đã cùng "bắt tay", khai thác hiệu quả hơn những di sản thế giới. Điển hình như Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam nhiều năm nay đã khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch “Một cung đường, ba điểm đến”, trong đó tập trung vào các di sản thế giới là Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn. Tuyến du lịch này giúp du khách có một hành trình khám phá hấp dẫn, lưu trú tại khu vực miền Trung lâu hơn.
Ở miền Bắc, thành phố Hà Nội đã tăng cường kết nối với các địa phương như Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Thọ... xây dựng nên những tour, tuyến du lịch có tính liên kết cao. Nhiều đơn vị lữ hành của Hà Nội như Công ty Lữ hành Hanoitourist, các đơn vị trong Câu lạc bộ Du lịch Vgreen phát triển các sản phẩm du lịch kết nối Hoàng thành Thăng Long đến Tràng An (Ninh Bình), Đền Hùng (Phú Thọ) với tục thờ tín ngưỡng Hùng Vương... Mới đây, hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng bàn kế hoạch hợp tác, phối hợp trong quản lý, khai thác hai di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, những sản phẩm liên kết đang mang lại hiệu quả trong bảo tồn, phát huy di sản, tạo thành những cung đường di sản hấp dẫn để du khách khám phá văn hóa, du lịch Việt Nam. Điều này không chỉ tăng trải nghiệm cho du khách mà con tăng nguồn thu cho các địa phương.
Bảo tồn, phát huy và đầu tư xứng tầm
Đến nay, Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận 9 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu. Đó là nguồn tài nguyên dồi dào để đẩy mạnh du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, khai thác các nguồn tài nguyên sao cho hiệu quả là bài toán không đơn giản. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhiều liên kết, hợp tác du lịch đôi khi chưa tạo được hiệu quả cao do các địa phương chưa có sự thống nhất về cơ chế, chính sách, năng lực đầu tư không đồng đều. Bên cạnh đó, vai trò của các đơn vị lữ hành trong khâu kết nối chưa cao.
Còn theo Chủ tịch Tập đoàn Lux Group Phạm Hà, nhiều di sản đang mất đi ưu thế thu hút khách. Câu chuyện quản lý, khai thác vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) từng chưa tìm được sự thống nhất khiến doanh nghiệp và du khách gặp khó khăn. “Các địa phương có những di sản tương đồng cần có cơ chế phối hợp cởi mở, xây dựng quy chế quản lý chung phù hợp để khai thác hiệu quả và đúng luật di sản”, ông Phạm Hà kiến nghị.
Để tăng hiệu quả trong việc khai thác những tài nguyên di sản thế giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng là chính sách quản lý của các địa phương. Khi đã có chính sách, cần lập những kế hoạch cụ thể dài và ngắn hạn cho những bước bảo tồn, phát huy và đầu tư đúng mức, đúng tầm.
Việt Nam đã 4 lần được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards), khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lâu đời. Để di sản trở thành những viên ngọc tỏa sáng rực rỡ, mang lại hiệu quả lớn cho ngành Du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cần có sự chung tay, chung sức, tăng cường kết nối của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin