Vụ máy bay UMIG-21 mất tích sau 47 năm dần hiện rõ...

17:58, 02/03/2018

Câu chuyện tìm kiếm máy UMIG-21 và hai phi công (Yuri  Poyarkov và Cống Phương Thảo) từ năm 1971 đi vào bế tắc, là sự bí ẩn trong suốt 47 năm qua. Việc tìm kiếm để có câu trả lời chính xác về sự kiện này luôn là điều mong mỏi của thân nhân hai phi công và những chuyên gia trong lĩnh vực không quân. Trong đợt tìm kiếm ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua của các nhà toán học, chuyên gia không quân với sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân địa phương, sự mất tích bí ẩn của chiếc UMIG-21 nơi núi rừng Tam Đảo đã từng bước sáng tỏ…

Ngày định mệnh

Đêm 30-4-1971, chiếc máy bay quân sự UMIG-21 thuộc lực lượng phòng không – không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện chuyến bay huấn luyện tại khu vực rừng Tam Đảo. Trong cabin máy bay UMIG-21 khi đó có huấn luyện viên người Liên Xô là Yuri Poyarkov và phi công Việt Nam Cống Phương Thảo (phi công Cống Phương Thảo là con liệt sĩ được cử sang học tập tại Liên Xô vào đầu năm 1971 đã tốt nghiệp Trường đào tạo hàng không, trở về nước phục vụ quân đội).

Theo một số người cao tuổi sống gần rừng Tam Đảo (thuộc xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ) tầm khoảng 22 giờ ngày 30-4-1971 tại địa phương khi đó thời tiết mưa, bão và có tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Do đêm tối, thời tiết xấu nên người dân địa phương không phát hiện được máy bay ở hướng nào, của ta hay của địch. Đến đầu tháng 5-1971, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Yên nhận được tin có máy bay quân sự tham gia huấn luyện đã bị mất liên lạc từ đêm 30-4, nghi bị tai nạn tại vùng núi Tam Đảo. Cuộc tìm kiếm máy bay UMIG-21 lúc đó đã được lực lượng chức năng triển khai liên tục trong 40 ngày. Trong đó, lực lương dân quân các xã vùng ven rừng Tam Đảo (gồm cả phía hai tỉnh: Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc) đã bủa đi các hướng để tìm kiếm trong rừng sâu và lực lượng phòng không - không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng máy bay trực thăng trên không phận Tam Đảo để quan sát, hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ nạn.

Tuy nhiên, do phạm vi tìm kiếm máy bay quân sự UMIG-21 và hai phi công quá rộng, địa hình Tam Đảo bị chia cắt phức tạp, rừng già bao phủ, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn hạn chế nên sau hơn 1 tháng đã tạm dừng trong sự xót xa, day dứt của cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là những người đồng chí, đồng đội của hai phi công. Ba tháng sau, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất “Vì chiến công trong sự nghiệp ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược” và Huy chương “Đoàn kết vì chiến thắng giặc Mỹ” đối với Đại úy Yuri Poyarkov. Tổ quốc đã ghi công của phi công Cống Phương Thảo (khi mất tích, phi công Cống Phương Thảo chưa xây dựng gia đình riêng và cha mẹ đều đã mất). Các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ta hiện vẫn được gia đình phi công Poyarkov cất giữ cẩn thận với niềm mong mỏi sớm làm rõ về sự mất tích bí ẩn của ông trong suốt 47 năm qua. Hy vọng lớn hơn nữa của thân nhân hai phi công là tìm được hài cốt, kỷ vật…của những người lính anh dũng đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì hòa bình thế giới.

Nhiệt huyết và trách nhiệm

Sự bế tắc trong quá trình tìm kiếm đã từng bước được mở nút khi các chia sẻ trên mạng xã hội của một số chuyên gia hàng không, nhà toán học về giả định lộ trình của UMIG-21 khi xưa đã được kiến trúc sư trẻ người xã Mỹ Yên đang công tác ở Hà Nội tên Đặng Minh Tuấn cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích. Theo kiến trúc sư trẻ này, giả định lộ trình bay của UMIG-21 mà các chuyên gia hàng không, nhà toán học đưa ra rất trùng hợp với sự kiện khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một số thợ săn ở xã Mỹ Yên đi bẫy thú hoang, tìm dược liệu đã phát hiện tại khu lũng Báng của rừng Tam Đảo có nhiều mảnh nhôm vương vãi nên đã thu lượm mang về để chế tác thành dụng cụ sinh hoạt. Người dân địa phương khi ấy cũng chỉ nghĩ đơn giản đây là những di vật sót lại trong chiến tranh giống như nhiều quả bom nặng hàng trăm ki-lô-gam hay bom bi lỏn nhỏn như sỏi đá vương vãi ngoài đồng ruộng, trên nương bãi nên không ai có ý thức báo với chính quyền, cơ quan quân sự.

Khoảng năm 1997, thêm các nhóm người dân địa phương lên lũng Báng tìm mảnh nhôm vì khi đó có tư thương buôn phế liệu từ miền xuôi đến tìm mua sắt, nhôm phế liệu với giá cao.Người dân địa phương đã lần mò tìm được 1 xác máy trên rừng Tam Đảo (ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển). Người dân đã khai thác hết “mỏ” nhôm này bằng cách dùng đèn khò cắt nhỏ từng mảnh vỡ máy bay để khuân về bán phế liệu. Riêng hai chiếc lốp máy bay và động cơ, người dân bỏ lại phần vì không bán được, phần vì động cơ nặng cả tấn lại quá cứng, đèn khò không đủ nhiệt để cắt (động cơ máy bay thường dùng chất liệu kim loại có độ nóng chảy trên 3.000 độ C). Những năm sau đó, có người dân đến khu vực này tìm dược liệu và đã lăn những thiết bị máy bay còn lại xuống khe núi nên hiện trường cơ bản hết các dấu vết vụ tai nạn…

Trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, kiến trúc sư Đặng Minh Tuấn đã tìm gặp một số người cao tuổi, thợ săn sống tại xã Mỹ Yên để cóp nhặt, khâu nối thông tin về máy bay rơi tại khu lũng Báng. Các thông tin rất khớp với giả định lộ trình bay, tọa độ nghi xảy ra tai nạn đối với UMIG-21 nên kỹ sư này đã thông tin ngay với ông Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam - người tự đứng ra tổ chức nhóm tìm kiếm máy bay UMIG-21 trong suốt những năm qua. Như những người khát nước lâu ngày tìm được dòng suối trong lành, nhóm tìm kiếm trên đã liên lạc với nhau, chuẩn bị đủ các dụng cụ từ túi ngủ, lương khô, luyện tập sức khỏe và ngày mùng 6 Tết Nguyên đán Mậu Tuất họ đã cùng với các thợ săn năm xưa hiện sống ở xã Mỹ Yên lội suối, vượt đèo vào sâu trong những cánh rừng già của Vườn quốc gia Tam Đảo dưới trời mưa, rét. Qua đêm trên núi khi thời tiết lúc tạnh, lúc mưa, rét mướt và tìm kiếm hoài chẳng thấy mảnh vỡ nào còn sót lại nên một số thành viên trong đội đã xuống núi để tiết kiệm lương thực, nước uống. Những người còn lại tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm theo các dòng chảy với hy vọng tìm được động cơ, hai bánh lốp của máy bay.

Có lẽ niềm mong mỏi và lời cầu nguyện của các thành viên trong đội khi thắp nén hương kính viếng các phi công đã linh nghiệm nên đến ngày 25-2-2018, họ đã tìm thấy mẫu vật cách nơi máy rơi không xa. Ông Nguyễn Lê Anh và các thành viên trong đội tìm kiếm vô cùng phấn khích, nhanh chóng tiến hành việc kiểm định chuyên môn, bước đầu xác định mẫu vật trên tương thích với một phần bên trái của khoang lái máy bay UMIG-21. Ngày 28-2, ông Nguyễn Lê Anh, đại diện cho nhóm tìm kiếm đã chính thức bàn giao mảnh vỡ nghi là của máy bay UMIG-21 rơi tại rừng Tam Đảo cho Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không – Không quân.

Từ mảnh vỡ mới tìm kiếm được, cơ quan chức năng chắc sẽ sớm đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân mất tích máy bay UMIG-21 suốt 47 năm qua. Điều khiến nhóm tìm kiếm vẫn đau đáu là một số người dân ở xã Mỹ Yên còn cung cấp thêm thông tin, vào mùa thu năm 1974 đã phát hiện một chiếc dù lớn rơi trong rừng (cách vị trí xác máy khoảng 2,5km) và đã lấy về làm khăn, vỏ chăn. Tuy nhiên, khi đó người dân không thấy có hài cốt hay những vật dụng gì khác. Do vậy, việc tìm kiếm này nên sớm tiếp tục thực hiện và nếu may mắn, chúng ta sẽ đón về hài cốt hay kỷ vật của hai phi công…