Hơn 5 năm bặt tin người yêu là bộ đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam, bản thân tham gia thanh niên xung phong (TNXP) và bị thương, nhưng cô gái trẻ Lê Thị Đoàn luôn có niềm tin mãnh liệt về ngày đoàn tụ và viên mãn hạnh phúc lứa đôi, cao hơn nữa là tin vào ngày đất nước thống nhất. Giờ ngồi nhớ lại, cựu TNXP Lê Thị Đoàn bảo đấy là những năm tháng rất đỗi tự hào và cũng có một cái kết đẹp với bà.
Trong căn nhà cũ, khiêm nhường nằm trên đỉnh một mỏm đồi nhỏ tại phố Trung Thành, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), cựu TNXP Đại đội 915 Lê Thị Đoàn (quê gốc tại huyện Pắc Nặm, Bắc Kạn) thân mật tiếp chúng tôi rồi say sưa ôn lại những kỷ niệm khi bà là TNXP cùng đồng đội làm nhiệm vụ dưới bom đạn địch. Tuổi cao lại bị di chứng của vết thương nên đầu óc lúc nhớ lúc quên, nhưng khi nhắc đến những tháng năm hào hùng ấy, nữ cựu TNXP 68 tuổi hào hứng kể rành rẽ từng chi tiết. Bà mang cho chúng tôi xem vật chứng là chiếc áo TNXP bà mặc khi bị thương. 46 năm, chiếc áo đã ngả màu, một bên tay áo bị thủng lỗ chỗ, vạt bên phải rách tươm do bị mảnh bom và đất đá bắn vào. Bà gìn giữ chiếc áo rất cẩn thận như để khắc ghi thời điểm “thập tử nhất sinh”, để giáo dục con cháu về sự gian khổ và công lao của lớp người đi trước.
Đó là ngày 13-9-1972, khi cô TNXP Lê Thị Đoàn cùng đồng đội vừa kết thúc nhiệm vụ buổi sáng (làm tuyến đường từ Linh Sơn đi thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ), đang trở về nơi nghỉ ngơi thì chiếc B-52 địch lừ lừ xuất hiện. Tiếng gầm rú của nó xé toạc sự yên ả của bầu trời thu. Cô cùng một vài đồng đội chưa kịp tìm nơi trú ẩn thì bị một quả bom nổ gần gây sát thương và ngất đi. Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang được điều trị tại Bệnh viên Quân khu (sơ tán tại chùa Hang), cảm giác đau ê ẩm khắp người.
Ngoài sức ép của bom, cô bị một vết thương khá lớn trên mặt, tỷ lệ thương tật 31%. Cô đã không thể cầm được nước mắt khi một y tá ân cần đến bên động viên và trao lại chiếc áo đã rách tươm mà cô mặc lúc bị thương ấy. Sau này cô mới biết cũng trong trận bom đó, đồng đội Hoàng Thị Cát đã hy sinh và vài người khác cũng bị thương nhưng nhẹ hơn mình. Hết giai đoạn điều trị, cô được chuyển vào điều dưỡng một thời gian tại Trạm xá Đội 91, sau đó trở lại đơn vị và tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Và dù bị thương, cô vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều so với 60 đồng đội đã hy sinh trong đêm Noel năm 1972 đau thương ấy…
Nhớ lại thời viết đơn xin đi TNXP, bà Lê Thị Đoàn kể: Đó là giữa năm 1972, lúc tôi vừa học hết năm thứ 2 Trường Trung cấp Bưu điện miền núi và chuẩn bị đi thực tập. Cả Trường có hơn 10 người xung phong đi, trong đó có tôi với suy nghĩ cần tích cực góp sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó, khí thế của thanh niên, sinh viên rất cao.
Cùng học một trường, cô nữ sinh người Tày Lê Thị Đoàn và anh Trần Trọng Vạn có một mối tình khá đẹp. Nhưng gác lại tình riêng, năm 1970, cô động viên anh vững tâm lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc. Đôi lứa bịn rịn chia tay, nguyện giữ lời thề đợi ngày gặp lại. Bạn trai nhập ngũ 1 năm, 2 năm rồi 5 năm không hề có tin tức, cô vẫn sắt đá niềm tin. Cuối cùng, niềm vui vỡ òa khi sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, anh trở về tìm cô như lời hứa năm nào. Người con gái xinh xắn khi xưa giờ mang những vết sẹo chằng chịt trên mặt do mảnh bom, gặp lại người yêu đã vào sinh ra tử và bị thương tới 10 lần trong chiến trận, cả hai mừng mừng tủi tủi. Sau hôn lễ được tổ chức đơn giản, anh Trần Trọng Vạn lại tiếp tục vào Nam làm nhiệm vụ trong Quân đội thêm 9 năm nữa. Chồng công tác biền biệt, một mình cô xoay xở để “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nuôi dạy hai con khôn lớn.
Sau khi đoàn tụ, ổn định gia đình tại thị trấn Chợ Chu, hai vợ chồng bà Lê Thị Đoàn tiếp tục công tác Nhà nước nhưng do sức khỏe yếu vì bị thương nên được nghỉ sớm (chồng bà đã mất năm 2005). Dù vậy, bà vẫn tham gia công tác xã hội, nhiều năm liên tục làm cán bộ Hội Cựu TNXP thị trấn, tích cực, năng động và có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội. Tấm Giấy khen do UBND thị trấn trao tặng vì thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với bà là sự ghi nhận đáng trân trọng.
Giờ tuổi cao sức yếu, nhớ lại quá khứ, bà thấy đáng tự hào bởi trong hoàn cảnh nào cũng đều đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là đã góp phần để Đại đội TNXP 915 trở thành một đơn vị Anh hùng.