Nữ Bí thư Chi đoàn Đại đội 915

11:18, 03/05/2018

Đã sang hè, nhưng vùng đất thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn, Bắc Kạn) còn chìm ngập trong sương. Đó là lúc sáng sớm, còn khi mặt trời vượt qua mấy dải núi đằng Đông, thì chỉ một loáng, cả khoảng trời Chợ Đồn trở nên quang đãng, nắng ùa xuống mang theo hơi thở ấm áp của mẹ thiên nhiên. Chúng tôi đi trong khung cảnh ấy với bao chộn rộn, tâm trạng có phần háo hức vì sắp được gặp nữ Bí thư Chi đoàn Đại đội TNXP 915 năm xưa. Một liệt nữ - tôi xin gọi cựu TNXP Nguyễn Thị Hồng Nhung như thế. Bà là một trong số 7 TNXP bò ra từ đống bê tông đổ nát, mình mẩy đau ê ẩm về nơi đơn vị đóng quân báo tin cho đồng đội.

- Các anh chị ơi, những người đi cùng em sớm nay chết hết rồi. Chết... hết...rồi...

Bà nằm ngất đi. Đồng đội vội đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Mấy ngày sau đó, khi đã tỉnh hẳn, bà được các bác sĩ kể lại: Bà nhập viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, lúc cạo tóc để băng bó vết thương trên đầu, trái tim bà gần như không đập. Nhưng có lẽ bởi nghị lực phi thường tiềm tàng ẩn sâu trong khối óc, nên bà đã chiến thắng tử thần, trở về với đồng đội và tiếp tục chiến đấu, cống hiến, và sống cuộc đời có ý nghĩa.

Bà kể: Hôm đó hầm trú ẩn trúng bom, hai ngăn hầm ngoài đổ xập xuống, còn ngăn hầm ở giữa bị ép lại, tất cả hy sinh tại chỗ. Tôi và các đồng chí trú ở ngăn hầm phía ngoài bị sức ép bom nổ hất tung lên như người ta ném quả bóng. Mỗi người hy sinh ở một tư thế. Tôi bị đất đá vùi đến ngang ngực, bị gạch vỡ văng vào đầu cực kỳ đau đớn. Tôi ngất đi hồi lâu, lúc tỉnh lại thấy sân ga Lưu Xá mùi khét khói bom đã tan loãng, tiếng la hét, tiếng kêu cứu của đồng đội đang lịm dần. Tôi trấn tĩnh, dồn hết sức lực, cố nhoài người để tự giải thoát rồi bò lê lết về đơn vị trong tình trạng hốt hoảng, thể xác đau đớn.

Nhắc lại chuyện của thời chiến tranh, mắt bà trực trào hàng nước mắt. Bà khóc cho những đồng đội không có cơ may trở về. Và bà khóc cho chính bản thân mình vì từng cơn đau mỗi ngày hành hạ. Bà bảo: Ngày còn trẻ thì lúc trời thay đổi thời tiết, toàn thân đau nhức từ đỉnh đầu đến gót chân. Nhưng mấy năm nay thì cơn đau không đợi lúc, cứ bất chợt đau lộng ra từ óc, có lúc lại đau thúc ra từ ruột. Nhưng so với đồng đội, tôi được may mắn hơn rất nhiều vì được  sống trở về. Ngay cùng thôn với tôi năm đó (bấy giờ là thôn Bản Duồng), có anh Nguyễn Bỉnh Dung và chị Mã Thị Nghi đi TNXP cùng đợt. Sau trận bom thù vào đêm Noel năm 1972, gia đình tôi và gia đình anh Dung, chị Nghi đều nhận được giấy báo tử. Nhưng tôi đã không chết.

Bà Nhung sinh ra trong một gia đình nông dân. Nhà có 6 anh, chị em, bà là người con thứ tư trong gia đình. Cuộc sống thường ngày ăn cơm độn sắn, độn củ mài, bữa đói, bữa đủ nhưng trời phú cho bà nụ cười tươi tắn và sở thích mê ca hát. Lúc chuẩn bị thi hết kỳ II của lớp 8 (hệ 8/10), thấy cán bộ địa phương đến nhà vận động đi TNXP, bà xin phép pò mè (bố, mẹ - PV) được lên đường làm nhiệm vụ của tuổi trẻ. Chiều lòng con gái, pò mè không ngăn cản, chỉ khuyên con: Đã đi thì gắng hết sức mình, dù khó khăn, dù phải hy sinh cũng không được bỏ đội ngũ. Bà nói hồn nhiên: Pò mè yên tâm, sống, chết có số. Ngày đất nước thống nhất, con sẽ về phụng dưỡng pò mè.

Vào Đại đội 915, bà được Ban Chỉ huy Đại đội giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi đoàn. Nên hằng ngày ngoài nhiệm vụ cùng đồng đội vá ổ gà, bạt ta luy, bảo đảm thông tuyến cho người xe qua lại, bà tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao. Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn nghe lãnh đạo cấp trên phổ biến tình hình trong nước, về chiến trường miền Nam, về dư luận quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, đơn vị không ở tập trung, Đại đội chia làm nhiều nhóm lẻ, và bố trí cho đội viên ở dải rác nhờ nhà dân. Cũng vì nhiệm vụ bám đường san lấp hố bom, vá ổ gà, nên có lúc đơn vị trú quân ở xã Cổ Lũng (Phú Lương), khi ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Một thực tế là hầu hết đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn đều còn rất trẻ, có người trốn bố mẹ đi TNXP, có người mới 15 tuổi, đang học cấp II trường làng thì tình nguyện đi kháng chiến. Đến Đại đội, hằng ngày ra công trường làm việc, rồi nhiều lần chạy hầm trú bom, việc ăn, ở, ngủ, nghỉ đều tuân thủ theo mệnh lệnh. Cuộc sống gò theo quân kỷ đã dần nảy sinh tư tưởng chán nản, một số đoàn viên, thanh niên muốn rời ngũ về nhà. Chính vì thế mà các đồng chí trên Ban Chỉ huy Đại đội luôn quan tâm, khuyến khích Chi đoàn chủ động tổ chức cho đoàn viên, thanh niên sinh hoạt chính trị. Và để việc sinh hoạt của Chi đoàn được duy trì thường xuyên, bà Nhung (khi ấy là chị Nhung) đã chia Chi đoàn thành các nhóm nhỏ, các nhóm lại tự duy trì sinh hoạt theo hướng dẫn chung của Chi đoàn Đại đội.

Thông qua sinh hoạt Chi đoàn, chị Nhung và Ban Chỉ huy Đại đội nắm bắt được diễn biến tâm lý, tư tưởng của từng người, từ đó có giải pháp tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn giữ vững lập trường, tiếp tục bám sát nhiệm vụ của tuổi trẻ khi Tổ quốc cần. Hoạt động của Chi đoàn góp phần ổn định tư tưởng trong mỗi đoàn viên, thanh niên, làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu của Đại đội. Chính vì thế mà những ngày đạn lửa khốc liệt do đế quốc Mỹ trút xuống vùng đất gang thép Thái nguyên. Bom đạn của giặc thù làm nhiều làng mạc, đồng ruộng tan hoang, rồi nhà cháy, người chết, ngay cả trong Đại đội cũng có người hy sinh, nhưng đau thương càng làm tăng khí thế quyết thắng của những đoàn viên, thanh niên Chi đoàn thuộc Đại đội 915.

Bà Nhung kể: Hôm đó, ngày 24-12-1972, cả Đại đội được báo thức từ rất sớm, điểm danh quân số có hơn trăm người. Hơn 60 người được điều động đến Ga Lưu Xá làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hoá. Chúng tôi biết đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, phải chạy đua với thời gian, nên ai nấy hăng say làm việc. Hết vác chuyển bằng vai, chúng tôi đứng thành dây để chuyển hàng hoá từ các toa tàu lên xe ô tô. Chiều muộn, một số đơn vị cho đội viên di chuyển về nơi trú quân. Riêng Đại đội 915 tình nguyện nghỉ tại chỗ để sau khi ăn cơm tối, sẽ tiếp tục chuyển nốt số hàng hoá ở toa tàu cuối cùng đến vị trí tập kết an toàn. Song cơm chưa kịp ăn, tiếng còi báo động đã hú vang, một vùng trời đầy tiếng máy bay gầm gào, rồi thình lình trút xuống những trái bom oan nghiệt. Cả mặt đất rung lên dữ dội, căn hầm trú ấn của Đại đội rung lắc, ập xuống.

Ngay sau thời gian điều trị dưỡng thương, sức còn yếu, nhưng bà lần nữa tình nguyện trở lại Đại đội 915 làm nhiệm vụ. Cho đến năm 1974, theo gợi ý của Đội 91, bà đến nhận nhiệm vụ mới tại Trường Công nhân miền núi Bắc Thái, làm "chị nuôi", nấu cơm cho học sinh theo học tại Trường. Năm 1978, bà chuyển công tác về huyện Chợ Đồn làm nhân viên văn thư. Năm 1993, bà nghỉ hưu theo chế độ. Bà tự hào kể: Từ thuở đi TNXP cho đến ngày nghỉ chế độ hưu trí (21 năm), tôi chuyển qua nhiều cơ quan, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng nhiệm vụ nào tôi cũng hoàn thành xuất sắc, được đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè tin mến.

Hỏi chuyện riêng về gia đình, bà kể: Năm 1975, tôi về thăm nhà, các cụ mai mối cho ông Tô Công Khanh, người bên xã Đại Sảo. Gặp nhau một lần là nên duyên chồng vợ. Chúng tôi có với nhau ba mặt con. Hiện các con đã trưởng thành, ra ở riêng, nhà bây giờ chỉ có hai vợ chồng già tự chăm nuôi nhau.

Tiếp lời vợ, ông Khanh cho biết: Vợ chồng chúng tôi có cuộc sống khá chật vật. Khu đất nhà vợ cho ở chân dốc Lùng Váng này là triền núi dốc tức. Để có mặt bằng làm nhà, vợ chồng tôi mất rất nhiều công sức, tiền của để bạt núi, san lấp đất. Nhưng đó là ngôi nhà dựng lên bằng cây que, lợp lá tạm bợ, xiêu vẹo, trực đổ. Năm 2012, các anh chị ở Hội TNXP tỉnh Bắc Kạn và Quỹ Tài trợ xây dựng Đền thờ liệt sĩ TNXP Gia Sàng (Thái Nguyên) đến thăm, thấy cực quá đã hỗ trợ cho gia đình 30 triệu đồng để làm lại ngôi nhà này. Cảm động lắm, anh em họ mạc, bà con lối xóm biết gia đình tôi nhận được tiền hỗ trợ làm nhà ở, mỗi người giúp thêm chút đỉnh để vợ chồng tôi xây nhà.

Ở tuổi 64, sức không được khỏe, nhiều thứ bệnh phải mang trong người, nhưng bà Nhung vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Bà nói vui: Xưa còn trẻ đi TNXP, nay về già làm Chi hội trưởng Người cao tuổi, ấy là vì "cái máu" phong trào sôi nổi nên được các cụ tin dùng... Rồi bà hăng hái đưa chúng tôi đi thăm một số thân nhân gia đình liệt sĩ TNXP. Với các gia đình này, bà thân thiện, gần gũi như người nhà. Bà nói bằng chất giọng nhẹ nhàng: Tôi may mắn được trở về, nên lòng luôn mang tâm nguyện được làm một điều gì đó để khỏa lấp khoảng trống mất mát ruột thịt của những bậc sinh thành và các thân nhân liệt sĩ.

Tiễn chúng tôi ra tận chân dốc Lùng Váng, nắm tay từng người, bà bảo: Chiến tranh tránh sao được hy sinh mất mát. Nhưng các anh, chị, những chủ nhân của đất nước được sinh ra trong hoà bình, được làm cán bộ đại diện cơ quan chức năng Nhà nước, đừng để những cựu TNXP, những thân nhân liệt sĩ TNXP phải chịu thiệt thòi vì chưa được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước.

Tôi nắm chặt tay bà, đầu cúi thấp, xúc động trước một nghĩa cử cao đẹp của người cựu TNXP. Vì bởi cuộc sống riêng của bà còn gập gợi nhiều thiếu khó, nhưng mọi kiến nghị về chế độ chính sách, bà đều dành cho đồng đội cũ, cho thân nhân của đồng đội đã hy sinh. Và ngôi nhà bà ở từ lâu đã trở thành nơi hội ngộ, sẻ chia tâm tư tình cảm, kinh nghiệm nuôi dạy con cháu của các cựu TNXP huyện Chợ Đồn và người dân trong vùng.