Bao năm nay, ông dường như chẳng quan tâm đến sự đời, cứ nửa tỉnh nửa say, lầm lũi trong căn nhà nhỏ ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Gạo ăn ông không phải lo vì ông có vài sào cho người ta cấy mướn. Củi đốt, ông lên rừng kiếm, thức ăn phần lớn là rau rừng và tôm cá bắt ở cánh đồng gần nhà. Hôm nào may, ông gặp tổ ong rừng chiết được một đôi lít mật về đổi, bán. Vậy là có bữa cơm tươm tất. Cuộc sống của ông, từ ngày hoàn thành nghĩa vụ thanh niên xung phong (TNXP) ở Đại đội 915 vẫn giản đơn như thế.
Ông tên là Hoàng Văn Thắng - 1 trong 7 đội viên của Đại đội TNXP 915 may mắn còn sống sau trận Mỹ rải bom khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự ở Ga Lưu Xá, T.P Thái Nguyên ngày 24-12-1972. Nhiều người vẫn nghĩ ông là ông già “gàn dở”, cuộc đời chả biết đến thứ gì ngoài rượu. Nhưng khi tiếp xúc, tôi có thể cảm nhận rõ ẩn sâu trong con người ông sự hóm hỉnh, hài hước và sâu sắc, dù rằng từ lâu rượu đối với ông chẳng khác nào người bạn tâm giao. Gia cảnh của ông Thắng khiến ai cũng ái ngại, một mình ông sống trong căn nhà trống huơ, trống hoác, bên trong không có gì ngoài chiếc giường cũ, mấy bộ quần áo đã sờn vai và bộ bàn ghế “cổ lỗ sĩ”. Cụ bà thân sinh ra ông năm nay đã gần 90 tuổi, lưng còng rạp tưởng như bao gánh nặng cuộc đời đều chất trên lưng. Thấy bóng ông Thắng về, cụ đi từ nhà người con trai thứ sang hỏi: Ăn uống gì chưa? rồi khó nhọc bước lên bậc hè, vào nhà vơ gọn quần áo vương trên thành ghế. Với cụ, ông Thắng là đứa con trai không bao giờ lớn, bởi chưa khi nào cụ ngừng lo lắng.
Hồi còn trẻ, gia đình, đồng đội khuyên ông nên lập gia đình để có người bầu bạn, nhưng ai mối mai ông cùng đều từ chối. Lý do ông đưa ra chỉ là sức khỏe không tốt, không muốn làm gánh nặng cho người khác. Ông nhất quyết sống một mình, lầm lũi và cô độc. Ở tuổi ngoài 60, sự cô độc của tuổi xế chiều như kết dính vào gương mặt và một con mắt tinh còn lại của ông, biến thành một màu xám xịt. Nhưng trái với màu xám xịt, khô cằn ấy, thẳm sâu trong lòng ông là tình yêu mãnh liệt mãi mãi tuổi thanh xuân mà ông nguyện cả đời giữ vẹn.
17 tuổi, cùng với nhiều chàng trai, cô gái khác, ông Hoàng Văn Thắng tham gia lực lượng TNXP, Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái. Cùng làm việc tại Tổ hậu cần có nữ đồng đội tên là Nông Thị Bích Nga. Ông yêu người con gái đó, yêu sâu sắc, thủy chung, dù giữa hai người chưa có gì nhiều hơn một cái nắm tay. Nhìn ông gục đầu bên bia mộ liệt sĩ Nga lâu thật lâu, tôi biết mình đã không "đãi ngôn" khi nói về mối tình đẹp như sương sớm ấy.
Còn nhớ cái buổi các cựu TNXP từ Bắc Kạn vào viếng phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên). Lâu ngày mới trở lại, cộng với cảm giác chếnh choáng sau chuyến xe đường dài khiến mọi người phải mất chút thời gian định hình vị trí nơi các đồng đội nằm: Hàng này có anh Thanh, anh Vui, bên kia là anh Ly, chị Tinh… mộ của chị Ngoàng, chị Nga ở hàng nào nhỉ…? – một cựu TNXP lên tiếng. Cô ấy nằm đây. Nói rồi cái dáng đi siêu vẹo của ông Thắng tiến thẳng đến phần mộ của liệt sĩ Nông Thị Bích Nga như người ta nằm lòng vị trí của từng ngón tay trên bàn tay mình vậy. Những ngón tay gầy guộc, thô ráp run rẩy lần lau từng hạt bụi li ti trên tấm bia mộ của người thương. Ông cúi đầu thật thấp xuống phần mộ. Không biết ông làm vậy là để người con gái ông yêu nghe được rõ hơn những điều chất chứa trong lòng mình hay là để giấu đi khuôn mặt đã nhòe nước mắt!.
- Đêm qua tôi thấy cô ấy về tìm tôi, nhưng chỉ im lặng đứng nhìn, không nói lời nào cả. Gần 50 năm nay lúc nào bên tai tôi cũng như văng vẳng tiếng cô ấy gọi tôi đến cứu. Đêm hôm cô ấy và đồng đội hy sinh, chúng tôi ở cách nhau đúng một mét. Nói đến đây, bao nhiêu cố gắng để kìm nén nước mắt đã không được nữa. Ông khóc và chúng tôi, những người đối diện cũng khóc. Hình như khung cảnh đêm Noel năm ấy đang hiển hiện trước mắt ông. Ngồi bên cạnh ông, tôi không dám thở mạnh, bởi sợ rằng chỉ một tiếng động nhỏ nhất thôi cũng có thể làm tan mất khoảnh khắc hai người được thấy nhau lần nữa.
Giọng ông tắc nghẹn: Khi trúng bom, hầm sập, tôi bị cả khối bê tông cốt thép đè trúng, toàn thân không thể cử động, chỉ có một vệt nứt nhỏ giúp tôi thở. Lúc ấy đồng đội kêu cứu, cô ấy khóc gọi tôi “Anh ơi cứu em”. Tôi bảo cô ấy “Anh đây rồi, em đừng khóc sẽ mất sức. Anh sắp lên được rồi. Chờ anh, anh sẽ cứu em và đồng đội”. Tôi động viên cô ấy thế mong cô ấy bình tĩnh duy trì sức lực chờ người đến cứu thôi, chứ các mạnh máu trong cơ thể tôi cũng mỗi lúc bị thít chặt dần như ngừng chảy, làm sao thoát ra mà cứu cô ấy được. Giọng ông cứ đứt quãng dần, xen lẫn những tiếng nấc nghẹn. Cô ấy không hết khóc, giọng gọi tôi mỗi lúc một yếu hơn rồi dần dần im lặng. Hai tay ông bưng lấy mặt, nỗi đau đang bủa vây, khứa vào tim ông ở khoảnh khắc ông mãi mãi mất đi mỗi tình đầu thánh thiện nhưng cũng là mối tình duy nhất trong đời.
Khung cảnh chứa nhiều kỷ niệm nhất của ông và liệt sĩ Nga có lẽ là ở sân giếng của một gia đình tại xã Linh Sơn (huyện Đồng Hỷ năm xưa, T.P Thái Nguyên ngày nay). Ngày ngày cùng nhau làm bếp, ông cũng chỉ dám thể hiện tình cảm của mình qua việc xăm xắn giúp người đồng đội đỡ nồi canh nặng, rổ bát đầy. Chỉ khi cùng ra ra sân giếng rửa rau, hai người mới có chút thời gian hỏi thăm, nói chuyện riêng. Ông còn nhớ, lần đầu tiên thổ lộ lòng mình là cái buổi hai người cùng đi rửa rau lú bú. Vừa kể, hai bàn tay ông vừa nắm chặt lấy nhau, cả gương mặt đỏ gay. Có lẽ ông đang sống lại cảm xúc mãnh liệt đầu đời thời trai trẻ. Phải động viên và khích lệ lắm ông mới mở lời tiếp được, nhưng trong giọng nói còn nguyên sự run rẩy: Tôi hỏi Nga hết chiến tranh có đồng ý lấy tôi không. Không hiểu sao lúc đó tôi thấy run lắm, mặt mũi đỏ hết lên, nói nhanh như sợ bị ai chặn mất ấy. Tôi nhát con gái lắm!. Cô ấy bảo “Ai thèm lấy anh”. Nghe vậy, tôi cứ nghĩ cô ấy từ chối nên càng run. Nhưng không phải, trả lời như thế là cô ấy đã đồng ý. Chúng tôi đã mơ về một đám cưới ở quê nhà với người thân và bạn bè ở đó. Tôi đã nói với Nga, không lấy được em thì cả đời này cũng sẽ không lấy người khác.
Chiến tranh, kỷ luật đơn vị nghiêm minh, hồi ức đẹp đẽ nhất giữa hai người là lần liệt sĩ Nga khâu áo cho người yêu và tặng cho ông một đôi đũa do chính tay cô tự vót. Chỉ vậy thôi, nhưng cũng đủ sưởi ấm lòng ông những đêm một mình đơn bóng.
Ông hiểu người yêu muốn nhắn nhủ với mình đũa luôn phải có đôi. Giống như cô và ông không thể nào tách biệt. Suốt gần 50 năm, ông gìn giữ đôi đũa như báu vật của mình.
- Chú Thắng đi tìm gia đình cô Nga bao giờ không? Tôi hỏi.
- Không dám. Tôi sợ nếu đến sẽ khơi lại nỗi đau mất con cho bố mẹ cô ấy. Các cụ sẽ lại khóc. Như thế càng đau lòng hơn.
Tìm đến nhà liệt sĩ Nông Thị Bích Nga, xóm Khuổi Mý, xã Hữu Trác, huyện Na Rì (Bắc Kạn), những ký ức của ông Nông Khải Dy về người chị gái của mình cũng giống như những gì ông Thắng nhớ. Trước khi vào TNXP, liệt sĩ Nga thường xuyên tham gia sinh hoạt đoàn. Là người có tài thổi sáo và hát hay, tính tình vui vẻ nên liệt sĩ Nga được nhiều người quý mến. Khi biết được tấm chân tình của ông Thắng dành cho chị gái mình, ông lặng người xúc động. Một lát ông cầm cây bút và hỏi thăm địa chỉ nhà ông Thắng.
Chiến tranh đã cướp mất đi người mà cả đời ông nguyện vẹn lòng thương nhớ. Nó giống như một vết thương không bao giờ liền sẹo trong ông. Nhưng những nhớ nhung, khắc khoải ấy cũng chính là nguồn an ủi ông trong mỗi năm tháng cuộc đời. Còn vết thương trên thịt da vẫn từng ngày vò xé ông. Trở trời, đầu ông đau nhức. Ông đã thử uống thuốc nhưng không hiểu sao càng uống càng cảm giác đau hơn. Mỗi lần như thế ông lại một mình nói với người yêu “giá anh được đi theo em còn hơn sống dở chết dở thế này”. Không muốn để mẹ già thêm lo lắng, chưa bao giờ ông kêu than. Mỗi lần cơn đau ập đến ông lại nằm co ro rồi vơ vội thứ gì đó đắp lên đầu, chịu đựng đến khi cơn đau lắng xuống.