Sau 46 năm: Nước mắt còn rơi

16:03, 07/05/2018

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má của bà Lương Thị Hội, cựu thanh niên xung phong (TNXP) của Đại đội 915, thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái. Bà khóc vì nhớ thương đồng đội đã ngã xuống, tủi hờn khi nghĩ đến cuộc sống thực tại còn nhiều khó khăn vất vả và quãng thời gian dài lo giấy tờ để làm chế độ chính sách cho bản thân mà chưa được.

Bà Lương Thị Hội là một trong số ít cựu TNXP may mắn còn sống sót trong sự kiện đau thương vào đêm Noel 24-12-1972. Tuy nhiên, sức ép của bom Mỹ cũng khiến bà chết đi sống lại. Ở tuổi ngoại lục tuần, với những vết thương trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu đã khiến sức khỏe của bà yếu đi nhiều. Lúc nhớ, lúc quên và câu chuyện kể liên tục bị đứt quãng vì những cơn nấc nghẹn.

Hồi tưởng lại quãng thời gian tham gia TNXP khi mới tròn 19 tuổi, bà Hội kể mình đã hai lần bị thương khi làm nhiệm vụ. Lần đầu tiên là ngày 13-9-1972. “Hôm đó, tôi và đồng đội đang làm nhiệm vụ san lấp đường, đào rãnh thoát nước tại khu vực xóm Làng Phan, xã Linh Sơn thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom. Chị Hoàng Thị Cát hy sinh tại chỗ, 7-8 người nữa bị thương được xe đưa đi bệnh viện. Tôi kịp chui vào một căn hầm cá nhân bên đường nhưng vẫn bị sức ép khiến ngất lịm đi. Người dân phát hiện và đưa vào nằm nghỉ trên một cái chõng của một gia đình ở ven đường. Phải một lúc lâu tôi mới hồi tỉnh lại” - bà xúc động.

Lần thứ hai bị thương chính là đêm Noel 24-12-1972, kể về sự kiện này, bà vẫn nhớ như in: “Khoảng 5 giờ sáng hôm đó, đơn vị có lệnh tập trung lên xe đi làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá. Chúng tôi được giao vận chuyển các bao gạo, bột mỳ lên tàu hỏa để đưa đến địa điểm an toàn, từ đó chuyển đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Anh em bảo nhau làm một mạch đến gần tối, chỉ còn chuyến cuối cùng chưa kịp bốc dỡ nốt thì đột nhiên có còi báo động. Lúc ấy có mấy anh, trong đó có Đội phó Nguyễn Thế Cường hô to: Tất cả xuống hầm không chết hết bây giờ. Ban đầu máy bay thả bom đánh sập hai đầu của căn hầm hình chữ U, rồi một quả bom nữa rơi trúng giữa hầm. Tôi bị bom hất văng lên và bị đất đá vùi lấp, các mảnh vỡ bắn vào mặt, vào người khiến tôi chết ngất. Đến gần sáng nghe tiếng gọi, tiếng khóc, tiếng cuốc xẻng đào bới tôi mới tỉnh lại và mới biết rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Tôi có nghe tiếng anh Thắng người Bắc Kạn gọi mình nhưng không thể làm gì được”. Nỗi xúc động khiến bà nghẹn lời, đưa tay gạt nước mắt.

Không chỉ nỗi đau thể xác, những ám ảnh về sự kiện đau thương năm ấy mới thực sự đeo bám, trở thành nỗi ám ảnh đối với bà Hội. Bà kể: “Khi đã trở về địa phương và lập gia đình rất lâu rồi nhưng đồng đội vẫn trở về trong giấc mơ hằng đêm của tôi. Có lần tôi thấy mọi người về, rồi cứ dắt tay và bảo mày ơi đi cùng với bọn tao vui lắm. Chồng tôi phải lay mãi mới tỉnh, bảo rằng bà mơ gì mà mơ lắm thế”.

Với bà Hội, dù có bị thương tật nhưng được trở về với gia đình đã là một điều may mắn. “Ngày gia nhập TNXP, nhà tôi còn ở trên Yên Lãng, Đại Từ. Thời đó chiến tranh ác liệt, nhưng ai cũng hăng hái lắm, có người trốn cả gia đình để mong có cơ hội lên đường phục vụ đất nước. Cả xã có 5 anh em cùng vào TNXP một ngày là tôi, anh Hoàng Văn Tung, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Lý và Hoàng Văn Chấm. Ba người đã hy sinh ở Lưu Xá, anh Chấm cũng mất cách đây vài năm nên giờ chỉ còn mình tôi. Khi mẹ của chị Mai còn sống, tôi thường đạp xe lên thăm. Mỗi lần đi như vậy, bà lại ôm tôi mà khóc, bảo: Cháu ơi, chúng mày cùng đi với nhau mà bây giờ cái Mai nó chết rồi, cháu sống sót trở về thế này là quá tốt rồi. Nghe như vậy tôi cũng không cầm được nước mắt. Lần sau có lên thăm thì phải cố tránh mặt để bà không thấy mà buồn.

Cuộc sống khi trở về đời thường của bà Hội rất vất vả. Hai vợ chồng nuôi 5 đứa con ăn học, trong khi sức khỏe của bà lại không được tốt bởi vết thương chiến tranh lúc trái gió, trở trời vẫn nhức nhối, giờ lại thêm bệnh huyết áp, tim rồi phổi. Mong muốn Nhà nước giải quyết chế độ chính sách là thương binh, bà Hội giữ rất cẩn thận những giấy tờ từ khi còn là TNXP. Đó là giấy trúng tuyển vào Đội TNXP 91 Bắc Thái của Ủy ban Hành chính huyện Đại Từ cấp tháng 6-1972; Giấy khen của Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái vì đã dũng cảm khắc phục khó khăn hoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ giải quyết hậu quả sau các trận máy bay Mỹ oanh tạc ngày 24 và 29-12-1972; Giấy chứng nhận của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của Đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Về tình trạng sức khỏe, Biên bản xác nhận thương tật của Hội đồng khám xét thương tật tỉnh Bắc Thái tháng 8-1974 có ghi cụ thể vết thương của bà Hội là bị đất đá vùi lấp, khám hiện tại chưa thấy có tổn thương thực thể. Giấy chứng nhận bị thương của Thủ trưởng Đội TNXP - CMCN Đội 91 tỉnh Bắc Thái chứng nhận: Trường hợp bị thương khi làm nhiệm vụ sơ tán kho lương thực ra khỏi khu vực trọng điểm máy bay địch đánh phá đã được trên thông báo; tình trạng bị thương là bị đất đá vùi lấp, mê man bất tỉnh. Sau này, Ty Thương binh tỉnh Bắc Thái cũng có giấy xác nhận thương tật đối với bà Lương Thị Hội. “Giống như những đồng đội tham gia sự kiện ở ga Lưu Xá còn sống, tôi đề nghị được cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ thương binh. Đó không đơn thuần là quyền lợi, quan trọng hơn tôi muốn con cháu sau này biết được mình đã cống hiến cho Tổ quốc như thế nào”.

Hiện nay, bà Hội đã hưởng chế độ thanh toán một lần cho cựu TNXP và hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà. Trong buổi làm việc mới đây, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã xác minh thêm thông tin, đồng thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà Lương Thị Hội để sớm thực hiện các bước liên quan đến chế độ chính sách theo quy định.