Chuyến công tác đến tỉnh Bắc Kạn để sưu tầm các tư liệu, hiện vật của Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 915, thuộc Đội 91 TNXP Bắc Thái lần này đã cho chúng tôi cơ hội được đến thăm, gặp gỡ rất nhiều thân nhân các liệt sĩ. Trên bàn thờ của nhiều gia đình không khói hương, không một tấm ảnh; tấm Bằng Tổ quốc ghi công có nhà còn giữ, có nhà không. 46 năm, quãng thời gian đủ dài để nỗi đau có thể nguôi ngoai, nhưng không, do phong tục địa phương nên việc thờ cúng của đồng bào dân tộc Tày cũng giản dị như chính con người họ, không cúng giỗ hàng năm, ban thờ không trang trí cầu kỳ. Chỉ đến khi tiếp xúc với họ, chúng tôi mới thấu hiểu vết thương chiến tranh bao năm qua chưa bao giờ liền sẹo.
Gia đình đầu tiên chúng tôi đến thăm là ông Lý Văn Vỳ, ở xóm Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, em trai của của liệt sĩ Lý Văn Cao. Trong ký ức của ông Vỳ, từ khi mẹ ông mất (năm 1967), bố ông chịu cảnh gà trống nuôi con, một mình bươn chải cáng đáng gia đình. Đối với ông, liệt sĩ Cao vừa là anh cả, vừa như mẹ chăm lo, dạy bảo và nhường quần áo cho em. Những chuyện của gần nửa thế kỷ trước, ông Vỳ không nhớ hết, nhưng riêng buổi sáng tờ mờ ngày 26 Tết của năm 1972, ông còn nhớ như chuyện vừa mới hôm qua. “Hôm ấy lạnh lắm, bố tôi nghỉ đi rừng, dậy sớm chuẩn bị đi chợ sắm Tết, vì ngày 26 là phiên chợ cuối cùng của năm. Tôi cũng dậy theo ông đi chợ. Đang chuẩn bị đi thì có một chú ở xã xuống hỏi bố tôi: Bác dậy sớm thế? Bác đang định đi chợ đấy à? Rồi chú đó bảo bố tôi, hôm nay Bác đừng đi chợ nữa. Nhà mình gặp họa lớn rồi. Và thông báo anh tôi đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá, T.P Thái Nguyên đêm 24/12/1972. Cả nhà tôi cứ ôm nhau mà khóc. Ngày hôm đó, xã có cử đại diện xuống cùng gia đình tổ chức lễ truy điệu cho anh trai tôi”.
Tết năm ấy trong nhà ông Vỳ chỉ có tiếng khóc và sắp đồ lễ lên để cúng. Còn ông Vỳ chỉ biết trốn vào một góc nhà tối mà khóc và gọi anh. Nhắc lại thời khắc đó, ánh mắt ông Vỳ vẫn thất thần như năm xưa ông tìm anh mình trong căn nhà tối mà không thấy....
Để đến được nhà ông La Hoàng Văn, em trai liệt sĩ La Thị Ngoàng thôn Khuổi Đăm, xã Quảng Bạ, huyện Chợ Đồn, chúng tôi phải đi qua một cây cầu nhỏ ghép bằng vài thân cây bạch đàn trơn nhuồi nhuội. Nhà nền đất lô nhô, có khách đến, ông chải vội manh chiếu cũ mời ngồi. Có lẽ đồ vật được ông cất cẩn thận và nâng niu nhất là tấm Bằng Tổ quốc ghi công, Giấy chứng nhận Huy chương vì sự nghiệp Giao thông Vận tải của chị gái mình - liệt sĩ La Thị Ngoàng và tờ Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Gương mặt rắn rỏi, sậm nâu vì sương gió của ông Văn ngấn nước khi kể về những kỷ niệm của hai chị em với chúng tôi: Ngay từ khi mới 12 tuổi, chị Ngoàng đã người lớn lắm. Nhiều lần chịu đòn thay em. Trong câu chuyện của ông với chúng tôi, nhiều câu nói đã không còn tròn tiếng. Phải nhấp hết hai chén nước vối, ông Văn mới nén được nỗi xúc động để tiếp tục câu chuyện. Lúc nhỏ, tôi nghịch lắm, hay đi đánh nhau với bọn trẻ con trong xóm. Mỗi lần như thế, bố tôi lại “lôi” về đánh đòn. Thấy tôi khóc, lần nào chị Ngoàng cũng xin bố đừng đánh em. Nhiều lần chị chạy vào ôm tôi và nhận trọn đòn roi từ bố. Bố tôi nghiêm khắc lắm, nhiều lần tôi phạm lỗi bị ông đuổi ra khỏi nhà, không cho ăn cơm. Những lúc như thế, tôi lại tìm một góc dưới chân nhà sàn để trốn. Sau bữa ăn, chị Ngoàng bao giờ cũng lén giấu một bát cơm đi đợi lúc đi chăn chó, trộm mang cho tôi ăn. Hôm đơn vị chị trúng bom, chúng tôi đã nghe được phong thanh, nhưng lúc đó nhà ở mãi trong rừng, nghe bom đạn nổ rền rĩ không ai xuống với chị ngay được. Đến khi đi tìm thì chị đã mồ yên mả đẹp.
Giọng ông nghẹn tắc, những giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông ngoại ngũ tuần làm ướt nhòe tấm Bằng Tổ quốc ghi công chị.
Cùng đơn vị, liệt sĩ Ngoàng còn có người em họ là liệt sĩ Nông Thị Hòa. Nhớ lại ngày em gái và đồng đội hy sinh, ông Nông Chiến Bách, thôn Bản Duồn, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn vẫn có cảm giác hụt hơi, giống như năm xưa ông hốt hoảng đạp xe đi tìm em ở hết sân ga Lưu Xá đến nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên). Năm 1972, ông Bách đang công tác tại T.P Thái Nguyên, một ngày trước khi em gái Nông Thị Hòa hy sinh, cơ quan ông bị trúng bom. Ông và hai đồng nghiệp trú ẩn dưới hầm, nhưng chỉ mình ông may mắn còn sống. Sau trận bom, thể lực ông bị suy kiệt nặng nề. Sáng 25-12, cậu ông đạp xe lên báo tin, đơn vị của em gái ông trúng bom khi đang làm nhiệm vụ. Ông cuống cuồng cùng cậu đạp xe về đơn vị 915 tìm em nhưng không thấy. Hai cậu cháu lại tất tả đạp xe xuống Ga Lưu Xá. Cảnh vật tan hoang, hố bom lởm chởm, ông gọi tên em đến khi không thành tiếng mà bóng hình em gái vẫn bặt tăm. Niềm hy vọng nhỏ nhoi biết đâu em mình còn sống đã không thể xảy ra. Ông như người mộng du, gò lưng đạp xe tìm vào nghĩa trang tiễn biệt em. Đứng trước mộ người em gái ông như pho tượng, không còn khóc được nữa. Ông quá mệt, quá đau xót vì đứng ngay gần em nhưng đã là hai thế giới cách biệt.
Còn rất nhiều câu chuyện chúng tôi được nghe từ những người thân của các liệt sĩ. Xúc động, xót xa, nhưng cũng rất tự hào… là những cung bậc cảm xúc chúng tôi đã trải qua trong chuyến công tác ấy. Và chúng tôi hiểu, sau những dãy núi phía xa kia vẫn còn đó những vết thương chưa liền sẹo.